Cà Mau thiếu tôm giống sạch
Nhu cầu tôm giống của tỉnh Cà Mau mỗi năm khoảng 19 tỷ con tôm sú và 8,5 tỷ con tôm thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, hiện địa phương chỉ có 874 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 1 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng với sản lượng khoảng 9 - 10 tỷ con giống tôm sú/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại phải mua nguyên liệu từ các tỉnh ngoài.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Sử thừa nhận, dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng việc quản lý chất lượng tôm giống còn gặp nhiều khó khăn. Đối với tôm nguyên liệu phải mua từ các tỉnh ngoài, các cơ quan chức năng chưa đủ khả năng để kiểm dịch tận gốc ngay tại nơi sản xuất tôm giống. Mặc khác, trại sản xuất giống tôm sú trong tỉnh quy mô nhỏ, địa bàn phân tán nên cũng khó kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, ý thức, khả năng nhận biết, lựa chọn tôm giống của người dân nuôi tôm chưa đồng đều và còn hạn chế. Vì vậy, tôm giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém còn tồn tại các vùng nuôi.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Cà Mau có khoảng 836 ha nuôi tôm công nghiệp bị bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng và bệnh liên quan đến gan, tụy. Tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến có 12.341 ha bị bệnh (mức độ thiệt hại khoảng 30 - 70%), tăng 781 ha so cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng con giống chưa bảo đảm.
Vừa qua, tỉnh ban hành quy hoạch và đã điều chỉnh quy hoạch trại sản xuất tôm giống. Theo đó, trại sản xuất tôm giống được quy hoạch theo các tuyến sông lớn, nơi có đủ điều kiện về môi trường, nguồn nước đảm bảo chất lượng, hạ tầng được đầu tư… Tuy nhiên, việc quy hoạch trại sản xuất giống phân tán, dẫn đến việc quản lý sản xuất, quản lý chất lượng gặp nhiều khó khăn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu đầu tư khu sản xuất tôm giống tập trung tại huyện Ngọc Hiển. Công ty Việt Úc đầu tư trại sản xuất giai đoạn 1 với quy mô 50 ha, sản lượng khoảng 7 tỷ con giống/năm và đang triển khai giai đoạn 2 với quy mô 66 ha, sản lượng khoảng 8 tỷ con giống/năm.
Ông Sử cho biết thêm, nếu dự án giai đoạn 1 của Công ty Việt Úc phát huy hết công suất, sản lượng tôm giống của tỉnh khoảng 16 - 17 tỷ con, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu con giống của tỉnh. Khi dự án giai đoạn 2 của Công ty Việt Úc hoàn thành, sản lượng tôm giống của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu nghề nuôi.
Trong khi chờ Công ty Việt Úc cung ứng đủ số tôm nuôi, ngành nông nghiệp tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng tôm giống. Đối với tôm giống sản xuất trong tỉnh, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các trại sản xuất quy mô nhỏ thực hiện biện pháp nâng cao chất lượng con giống, hiệu quả sản xuất. Đối với tôm giống nhập, tỉnh phối hợp với các cơ quan quản lý giống của các tỉnh bạn tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho người nuôi kỹ thuật chọn giống chất lượng, đăng tải kết quả kiểm tra chất lượng tôm giống trên trang web của sở cũng như phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thông tin chọn lựa tôm giống tốt.
Tỉnh Cà Mau đang quy hoạch phát triển Chương trình tôm giống sạch giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 sẽ cung cấp 20 tỷ con tôm giống sạch cho người nuôi tôm, đạt khoảng 80% nhu cầu tôm giống của tỉnh. Địa phương có gần 300.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nên nhu cầu về tôm giống rất lớn.
Từ những năm 2000, tỉnh Cà Mau quy hoạch phát triển tôm giống với mục tiêu mở 1.000 trại sản xuất, giai đoạn 2000 - 2010. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra đã không hoàn thành mà nguyên nhân là do sản xuất tôm giống chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết. Sản xuất tôm giống là nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn nên ngày càng ít có doanh nghiệp, cá nhân mở trại sản xuất tôm giống.
Vì thế, kinh nghiệm để chương trình phát triển tôm giống đạt yêu cầu trong giai đoạn tới, tỉnh Cà Mau đã đề ra một loạt các giải pháp tích cực và cụ thể. Theo đó công khai quy hoạch phát triển tôm giống sạch để cho doanh nghiệp và người dân biết để tham gia chương trình. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp có điều kiện mở trại sản xuất tôm giống sạch tại chỗ; những doanh nghiệp, cá nhân mở trại sản xuất tôm giống tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; ưu tiên miễn giảm thuế theo quy định hiện hành cũng như nhiều ưu đãi khác…