TIN THỦY SẢN

Cá nước ngọt khổng lồ bên bờ tuyệt chủng

Những câu chuyện kể ly kỳ về các cuộc “đi săn” cá tra khổng lồ vẫn được truyền tai qua các thế hệ, như một niềm tự hào và hoài mong về nguồn lợi thủy sản đã từng rất phong phú. Mạnh Kha

Theo một nghiên cứu mới được công bố, nhiều loài cá nước ngọt trên thế giới bao gồm cá đuối gai độc, cá trê khổng lồ, rùa khổng lồ và kỳ nhông khổng lồ, thậm chí là nhiều loài đã sống qua hàng triệu năm sẽ có thể sớm được tìm thấy trên sách đỏ thế giới với danh sách các loài tuyệt chủng.

Cá nước ngọt khổng lồ đang dần biến mất

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã định lượng được sự suy giảm toàn cầu của các loài cá nước ngọt thuộc nhóm megahauna (các loài cỡ lớn hoặc rất lớn), lưỡng cư và động vật có vú sống ở các vùng nước ngọt, kết quả đó đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm cho sự đa dạng loài và sự cân bằng của sinh giới trong tương lai. Trong bốn thập kỷ kể từ năm 1970, số lượng các loài này đã giảm gần 90%, gấp đôi so với số lượng suy giảm loài có xương sống trên cạn hoặc cá ở đại dương.

Các loài cá lớn, chẳng hạn như cá tầm và cá da trơn khổng lồ, đặc biệt đang bị đe dọa rất lớn, với sự suy giảm số lượng lên đến 94%. Hầu hết các loài lưỡng cư nước ngọt lớn và nhiều loài động vật có vú cũng đang hứng chịu chung tình cảnh này. Cá Baiji, một con cá heo sông Dương Tử ở Trung Quốc, có khả năng là loài cá heo đầu tiên bị tuyệt chủng bởi con người. Cũng tại quốc gia này, loài cá mái chèo, có thể dài hơn 6m đã không được nhìn thấy trong hơn một thập kỷ qua. Đây chỉ là những ví dụ rất điển hình cho thấy sự suy giảm giống loài của nhiều loài cá nước ngọt lớn trên thế giới.


Cá mài chèo trên sông Dương Tử đã hoàn toàn biến mất.

“Đây là một cuộc khủng hoảng co hậu quả tồi tệ cho toàn nhân loại nhưng lại không được đánh giá cao và rộng rãi” Zeb Hogan - một nhà sinh học cá tại Đại học Nevada cho biết.

Hogan cho biết tình trạng suy giảm số lượng của các loài cá khổng lồ được nhấn mạnh đặc biệt là cuộc khủng hoảng môi trường mà nhiều sông hồ trên thế giới hiện nay phải đối mặt. Một khi những động vật lớn nhất ra đi, đó sẽ là lời cảnh báo của tự nhiên rằng: chúng ta cần phải làm gì đó thật nhanh để cải thiện sức khỏe và sự cân bằng của hệ sinh thái sông hồ trước khi quá muộn, ông nói.

Các hệ sinh thái nước ngọt thường ít được nghiên cứu hơn, mặc dù đó là nhà của một phần ba các loài động vật có xương sống và gần một nửa loài cá trên toàn thế giới. Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã biên soạn dữ liệu số lượng của trên 126 loài trong số 207 loài nước ngọt lớn nhất (có khối lượng trưởng thành ít nhất 30 kg) từ năm 1970 đến 2012, dựa trên The Living Planet Index, một cơ sở dữ liệu được quản lý bởi Hiệp hội Động vật học London hợp tác với Quỹ Động vật hoang dã Thế giới. Các kết quả thu thập được cho thấy rằng cho thấy rằng quần thể của tất cả các loài nước ngọt đã giảm 83% trong khoảng thời gian đó, và tỷ lệ suy giảm này thậm chí cao hơn ở động vật có vú và lưỡng cư nước ngọt.


Cá heo sông Dương Tử có lẽ chỉ còn được nhìn thấy trên tranh ảnh hoặc tiêu bản.

Trong số các mối đe dọa lớn nhất đối với các loại cá khổng lồ nước ngọt là khai thác quá mức và suy thoái môi trường sống, ông nói thêm. Nhiều trong số những động vật này được đánh bắt để lấy thịt, da và trứng. Đồng thời chúng có xu hướng dễ bị tổn thương hơn các loài cá khác khi bị các đập thủy điện ngăn chặn, hạn chế các khu vực và đường di cư sinh sản. Các loài cá lớn cũng có xu hướng chậm trưởng thành và có tỷ lệ sinh sản thấp, khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương hơn.

Cũng có thể thấy rằng, nhận thức của công chúng về cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học nước ngọt vẫn còn bị hạn chế, thậm chí nhiều người không biết rằng có sự tồn tại của các loài cá nước ngọt khổng lồ. Trong khi đó, các loài khác như gấu trúc, sư tử, voi ... lại nhận được rất nhiều sự chú ý trong giới truyền thông và giáo dục học đường.

Trăn trở cho dòng Mê Kong

Zeb Hogan trăn trở, khu vực quan trọng nhất trong sự tổn thương về sinh giới thủy vực nước ngọt và sự suy giảm các loài này có thể là Đông Nam Á, và đặc biệt là sông Mê Kông , chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hơn một ngàn loài cá nước ngọt sống ở sông Mê Kông, bao gồm nhiều loài lớn nhất thế giới. Ví dụ, cá da trơn khổng lồ Mê Kông là loài giữ kỷ lục hiện tại về loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới từng bắt được, nặng hơn 300kg.


Cá hô khổng lồ ở đồng bằng sông Cửu Long đã từng là vua trong số các loài cá sông, nhưng giờ đây nó đã hiếm hoi thật sự.

Hogan nói rằng anh ta đã không nhìn thấy một con cá tra khổng lồ sông Mê Kông trong tự nhiên kể từ năm 2015. Những con đập thủy điện đang và sẽ luôn là một nguyên nhân khiến loài này tuyệt chủng. Ông và các nhà nghiên cứu khác không chắc chắn hậu quả sinh thái của những con cá biến mất như thế nào, nhưng trong trường hợp của sông Mê Kông, nó có thể đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người sống dọc bờ sông.

Một sự mất đi của sinh giới đều có những ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến sự tồn vong của nhân loại. Đã đến lúc chúng ta cần thông báo với công chúng rằng, sự đa dạng và bảo tồn các giống loài thủy sản nước ngọt, nhất là các loài cá khổng lồ cũng cần được quan tâm, bảo tồn và hiểu biết sâu rộng.

Mạnh Kha