TIN THỦY SẢN

Cá nuôi lồng bè chết rải rác, nông dân lo lắng

Nuôi cá trong lồng bè dày đặc trên sông Cổ Cò đoạn quan địa bàn phường Cẩm An, TP.Hội An. Ảnh: QUANG VIỆT Việt Nguyễn

Cá nuôi trong lồng bè có hiện tượng chết rải rác ở nhiều lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong những ngày qua, khiến nông dân lo lắng.

Môi trường nước bất lợi

Cá điêu hồng được nuôi trong lồng bè ở sông Cổ Cò của gia đình anh Nguyễn Đăng Hải (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP.Hội An) chết rải rác trong những ngày qua. Anh Hải cho biết, cá chết là do nồng độ mặn trong môi trường nước quá cao. “Sẽ rất thuận lợi nếu nuôi cá điêu hồng ở những khu vực có nguồn nước ngọt ổn định. Tuy nhiên, ngược lại, thịt cá không săn chắc, giá bán không cao. Cá điêu hồng chết khiến gia đình lo lắng vì sợ các loại cá dìa cũng chết theo đồng loạt” - anh Hải nói. Hiện tại, gia đình anh Hải đang nuôi 100 lồng cá, trong đó có 50 lồng cá điêu hồng và 50 lồng cá dìa. Mỗi lồng có thể tích 72m3, anh Hải nuôi cá với mật độ 2.000 con. “Gia đình tôi nuôi cá với mật độ dày. Nắng nóng liên tục có khả năng sẽ gây ra tình trạng  thiếu oxy cung cấp cho cá” - anh Hải nói thêm.

Ở khu vực sông Cổ Cò, người dân phường Cửa Đại và Cẩm An nuôi cá dày đặc. Các nông hộ cho biết, nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm khiến các loại cá điêu hồng, cá dìa, cá nâu, cá chẽm rất khó thích ứng. Ông Lê Phú Lâm - chủ hộ nuôi cá trong lồng bè ở khối phố Tân Thịnh (phường Cẩm An, TP.Hội An) cho biết, khi nhiệt độ lên cao, oxy hòa tan trong nước rất thấp khiến cá nuôi trong lồng bè yếu dần, ăn kém rồi mắc bệnh. Theo quan sát của chúng tôi, ở khu vực sông Cổ Cò, không có hộ nuôi cá nào đầu tư máy sục khí để có thể cung cấp đủ oxy cho cá khi cần thiết nên nguy cơ cá tiếp tục chết là rất cao.

Trên sông Trường Giang đoạn chảy qua khu vực thôn Tân Phú (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), nhiều hộ nuôi cá trong lồng bè cũng đang đứng ngồi không yên khi cá đã chết rải rác trong nhiều ngày qua. “Không hiểu sao, nhiều khi cá chẽm lờ đờ, ngoi lên mặt nước thoi thóp thở rồi chết. Cá dìa cũng chết vì giảm sức đề kháng. Thiệt hại cho người nuôi cá chúng tôi là rất lớn” - anh Trần Văn Đồng (thôn Tân Phú) cho biết.

Cần xử lý kịp thời

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hằng năm, Sở NN&PTNT đều gửi văn bản đến các địa phương, hướng dẫn cán bộ thủy sản cấp huyện, xã tổ chức khuyến cáo cho nông hộ nuôi cá trong lồng bè. “Các địa phương ven biển cần tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình nuôi cá trong lồng bè trên địa bàn, thống kê rõ số hộ nuôi, thời gian thả nuôi, số lượng cá nuôi, nguồn gốc cá giống, thuốc thú y và vật tư thủy sản dùng cho nuôi cá để quản lý tốt. Khi có tình huống bất trắc cần báo ngay về các cơ quan chức năng của Sở NN&PTNT để hướng dẫn xử lý” - ông Ngô Tấn nói.

Ông Ngô Xuân Đông - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, trước hiện tượng cá nuôi trong lồng bè chết rải rác, một số hộ nuôi đã vội vàng thu hoạch để bán rẻ, tránh thua lỗ, lâm nợ. “Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cá rất khó thích ứng với môi trường nước có nhiệt độ tăng cao. Các nông hộ đã túc trực 24/24 giờ ở khu vực nuôi cá để theo dõi, ứng phó, xử lý tình huống xấu. Nhiều hộ đã sử dụng các loại chế phẩm tăng cường oxy, ứng cứu trực tiếp cho cá như Yuca SOS, Pond oxy” - ông Đông nói.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, chưa nhận được thông báo cá nuôi trong lồng bè ở các địa phương chết trong thời gian qua nhưng đã dự báo tình hình này từ đầu năm khi nhận thấy cá nuôi quá dày đặc, chỉ cần môi trường nước bị biến động là cá sẽ suy giảm hô hấp, chết ngạt do thiếu oxy. “Chúng tôi đã cảnh báo chính quyền các địa phương, nhất là TP.Tam Kỳ và TP.Hội An quản lý chặt hiện trạng nuôi cá trong lồng bè, không cho phát sinh thêm để bảo vệ môi trường nước, bảo vệ chính các hộ nuôi cá, tránh cá chết hàng loạt, thua lỗ” - bà Tâm nói.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, khi nuôi cá trong lồng bè với mật độ dày, các nông hộ sẽ cho cá ăn ở nhiều thời điểm khiến mùn bã hữu cơ ứ đọng. Do đó, nông hộ nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học như EMC, Biowater, Biofloc để phân hủy tốt mùn bã hữu cơ, tăng cường oxy, hạn chế khí độc H2S, NH3, ổn định PH, giúp cá nuôi dễ thở, sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt, nông hộ phải đảm bảo các lồng bè nuôi cá phải được bố trí ở nơi có mực nước sâu tối thiểu 2m để giảm bớt sự sốc nhiệt cho cá do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Cùng với đó, cần phòng bệnh định kỳ, bổ sung vitamin C và các khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá nuôi. “Các nông hộ cần vớt cá chết, bố trí gọn gàng, tiêu hủy đúng chỗ tránh lây lan mầm bệnh sang cá nuôi ở các khu vực liền kề. Khi cá đã đạt kích cỡ có thể bán thương phẩm nên thu hoạch, bán ngay, tránh những sự cố bất lợi” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

Việt Nguyễn Báo Quảng Nam