TIN THỦY SẢN

Cá tra tăng giá và câu chuyện quy hoạch

Cung - cầu bị “lệch pha” khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ Minh Hiển

“Cá tra mỗi lần tăng giá, nông dân (ND) lẫn doanh nghiệp (DN) đổ xô nuôi. Điều này dễ dẫn đến cung-cầu bị “lệch pha”. Đã đến lúc, Nhà nước cần thể hiện vai trò quản lý của mình, quy hoạch lại ngành hàng để phát triển bền vững”- ông Lý Công Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Minh Tâm (xã Hòa Lạc, Phú Tân), đề xuất.

Cung - cầu “lệch pha”

“Những ngày qua, cá tra tăng giá nhưng ND chúng tôi chẳng lấy gì vui, vì đâu còn cá để bán. Một số hộ bán được giá 22.500 đồng/kg nhưng sản lượng không nhiều. Chúng tôi cho đây là sự “lệch pha” trong cung - cầu. ND không vui, DN cũng chẳng hơn, vì đa phần các DN chỉ chủ động được từ 40-50% nguyên liệu. Cứ để mãi tình trạng như thế này, ngành công nghiệp cá tra khó mà phát triển” - ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Châu Phú, lo lắng.

Gia đình ông Nguyên là một trong những hộ nuôi cá nhiều của tỉnh. Thời thịnh vượng của con cá tra (2001- 2008), ông nuôi đến 10 héc-ta mặt nước. Bình quân mỗi vụ, thu hoạch từ 5.000 - 6.000 tấn. Sau hơn 10 năm, từ 10 héc-ta, nay gia đình chỉ còn 1 héc-ta. Ông Nguyên là một trong hàng chục ngàn hộ nuôi cá tra của tỉnh bị thua lỗ. Cung- cầu bị “lệch pha” đã dẫn đến tình trạng cá nguyên liệu khi thừa, khi thiếu. Những lúc nguồn cung bị thiếu hụt, DN chế biến tìm cách nâng giá mua lên. Một số hộ bán cá được giá (lời nhiều), lập tức quay sang thả giống với số lượng lớn. Hộ nuôi bên cạnh thấy vậy cũng bắt chước theo. Sáu tháng sau, sản lượng nguyên liệu tăng đột biến, trong khi thị trường xuất khẩu phát triển không theo kịp, dẫn đến tình trạng thừa hàng, dội chợ và thua lỗ đã xảy ra. “Nói việc cung - cầu nguyên liệu bị “lệch pha” là do ND và DN gây ra, điều này không chính xác. Hai chủ thể này làm gì có chức năng kiểm soát quy hoạch. Ở đây, chỉ có ngành Nông nghiệp mới làm được việc đó. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, người nuôi cá tra bị thua lỗ là do việc thực thi quy hoạch không đến nơi đến chốn”- ông Cao Lương Tri, ND xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), bức xúc.

Tháng 9-2016, giá cá tra tại ĐBSCL chỉ còn 18.500 đồng/kg, nhiều hộ thua lỗ đến mức phá sản. Điều đáng nói ở đây, hơn 10 năm qua, việc “lệch pha” này cứ lặp đi lặp lại, đến nay vẫn chưa có giải pháp mang tính căn cơ. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, hiện dư nợ cho vay đối với ngành cá tra đã giảm trên 1.500 tỷ đồng so với trước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp ngành cá tra bị thua lỗ vì tình trạng “lệch pha”. “Chính cơ chế tạo điều kiện cho DN phát triển vùng nuôi làm cho ND nhiều phen điêu đứng. Khi cá rớt giá, DN mua cá ND. Khi cá lên giá, DN bắt cá mình nuôi chế biến. Điều này làm cho thị trường ngày thêm rối loạn”-  ông Trần Văn Thời (xã Long Giang, Chợ Mới), phân tích.

Quy hoạch bị phá vỡ

Xuất khẩu cá tra mỗi năm mang về cho đất nước từ 1,6 - 1,7 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động. Đây là một trong 3 sản phẩm chủ lực của An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, việc xây dựng, thực hiện quy hoạch ngành hàng này xem ra còn nhiều chuyện phải bàn, bởi quy hoạch chưa mang tính đồng bộ. “Quy hoạch ở đây phải nghĩ đến tính chất tổng thể, nghĩa là phải thực hiện quy hoạch từ khâu nuôi trồng, chế biến đến thị trường. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ mới quy hoạch diện tích, sản lượng nuôi chứ chưa quy hoạch số lượng nhà máy chế biến, DN làm thương mại bao nhiêu là vừa. Nhà nước cứ cho thành lập DN chế biến một cách thoải mái, mạnh ai nấy làm đã dẫn đến tình trạng bán phá giá lẫn nhau. Đây là điều Nhà nước cần xem xét lại”- ông Nguyễn Văn Mạnh (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn), kiến nghị.


Cá tra thịt có giá, cá giống tăng lên 27.000 đồng/kg (trước đó chỉ 16.000 đồng/kg). Ảnh: MINH HIỂN

Diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL khoảng 5.300 héc-ta/năm, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn nhưng có đến 130 DN tham gia. Trong đó, nhiều DN không có nhà máy chế biến, chỉ đơn thuần làm thương mại nên “vô tư” bán phá giá. Các DN làm theo quy định của ngành luôn bị thiệt hại. “Giá cá tra nguyên liệu hiện nay là 22.500 đồng/kg, đưa giá thành chế biến (chưa cộng các khoản khác) lên mức 45.000 đồng/kg. Vậy mà nhiều DN chuyên làm thương mại lại rao bán với giá 1,95 USD/kg (khoảng 40.000 đồng/kg). Phá giá kiểu này thì ngành cá tra không chết mới là chuyện lạ”- đại diện một công ty chế biến bức xúc.

Cá tra tăng giá, câu chuyện quy hoạch cần phải được nhắc tới. Bởi, quản lý ngành hàng không dựa trên quy hoạch tổng thể thì tình trạng mất kiểm soát sẽ diễn ra, ắt dẫn đến nhiều hệ lụy như lâu nay chúng ta từng chứng kiến.

“Ngành cá tra muốn phát triển, ngoài củng cố về chất lượng, xử lý việc tranh mua, tranh bán, người nuôi cần đẩy mạnh áp dụng khoa học-kỹ thuật để giảm giá thành. Cần xóa bỏ hạn điền để những người có tiềm lực kinh tế tham gia nuôi diện tích lớn, tiết giảm chi phí. Cần có cơ chế tạm trữ khi cá rớt giá. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nuôi tiếp cận đồng vốn lãi suất thấp, đẩy mạnh liên kết ngành ngang lẫn ngành dọc có chế tài pháp luật”- ông Phan Văn Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, kiến nghị.

Minh Hiển Báo An Giang, 25/10/2016