Cá tra Việt 'vô danh' thế giới: Kiểm soát từ ao nuôi, liệu còn kịp?
Sau nhiều năm phát triển kém hiệu quả, ngành cá tra Việt Nam bắt đầu xác định lại những mục tiêu cần đạt, bắt đầu bằng việc kiểm soát con cá từ ao nuôi, xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá và làm thương hiệu…
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không nhanh chóng thay đổi, cá tra Việt Nam rồi sẽ như các nông sản khác, xuất phát thuận lợi nhưng dần bị các đối thủ bỏ lại sau lưng.
Sẽ kiểm soát từ ao nuôi
Theo ông Võ Văn Sơn - chuyên viên chính, Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), cá tra được nuôi truyền thống tại Việt Nam, Lào và Campuchia và hiện nay đã phát triển vùng nuôi ở các nước Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Nuôi cá tra cũng đã phổ biến sang các nước khác như Trung Quốc, Myanmar, Philippines.
Năm 2016, sản xuất cá tra của Việt Nam là 1,1 triệu tấn, chiếm gần 50% sản lượng cá tra thế giới, nhưng với đà phát triển của các nước lân cận như hiện tại, việc cá tra Việt Nam bị “hất cẳng” khỏi thị trường là điều không phải không thể xảy ra. Như tại thị trường Mỹ, cá tra ngày càng bị kiểm soát gắt gao hơn, còn tại châu Âu, người tiêu dùng cũng ngày càng “khó tính” hơn với sản phẩm này.
Theo ông Sơn, câu chuyện gia tăng giá trị cho cá tra rất khó, vì cá tra xuất khẩu tất cả đều là đông lạnh, chỉ cần “phá vỡ lớp băng đông lạnh” vài phần trăm là đã tăng giá trị được rất nhiều. “Tuy nhiên, từ lúc xác định được vấn đề, chúng tôi vẫn loay hoay chưa biết phải giải quyết thế nào, có lúc xông khói, đóng gói… nhưng vẫn chưa thành công!” - ông Sơn cho biết.
Dẫu vậy, ngành thủy sản xác định phải dành lại giá trị về cho người sản xuất, chế biến trong nước, từ việc đầu tư vào con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến, marketing… Bà Nguyễn Thị Băng Tâm - chuyên gia Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), cho rằng, cá tra đang có những thay đổi khá đột phá để đáp ứng với các yêu cầu của thị trường.
Cụ thể là từ ngày 1.7.2017 vừa qua, Nghị định 55/201 quản lý nuôi trồng cá tra có hiệu lực, thực hiện kiểm soát toàn bộ chuỗi từ khâu nuôi đến chế biến xuất khẩu cá tra. Trong công đoạn nuôi, mỗi ao sẽ được cấp 1 mã số nhận diện và được kiểm soát bởi Tổng cục Thủy sản. Doanh nghiệp, người dân nuôi cá phải cập nhật số liệu về số lượng, ngày thả cá giống, ngày dự kiến thu hoạch, sản lượng… lên phần mềm của Vụ Nuôi trồng thủy sản để quản lý, làm dữ liệu cho ngành cá tra.
“Như vậy, đầu vào đã được kiểm soát! Nghĩa là nếu có một lô hàng cá tra xuất khẩu bị trả về, cơ quan chức năng dễ dàng truy nguyên được nguồn gốc, từ đó, đưa ra hướng giải quyết!” - bà Tâm khẳng định.
Về thức ăn thủy sản, thú y thủy sản cũng được kiểm soát bằng các nghị định và Luật Thú y. Chuyện mạ băng, quay tăng trọng cũng được kiểm soát bằng Thông tư 07/2017 của Bộ NNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản – cá tra phile đông lạnh.
Cần một “đứa con chung”
Thu hoạch cá tra tại Vĩnh Long. Ảnh: Vũ Sinh
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (cũ), cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển ngành cá tra và thay đổi cách nhìn của thế giới về cá tra Việt Nam. Trước hết, Việt Nam cần một “đứa con chung”, một sản phẩm quốc gia về cá tra được xây dựng bài bản.
Bà Minh đề xuất xây dựng một dòng sản phẩm chính phile cá tra Việt Nam, dựa trên nền tảng một hệ tiêu chuẩn đồng nhất. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ cùng tham gia xây dựng dòng sản phẩm này, cùng nhau tiếp thị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm... “Dòng sản phẩm chính phải là phile, vì là sản phẩm chiếm tới 80% sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan chức năng cũng phải hỗ trợ phát triển dòng sản phẩm này, phải có logo, có thương hiệu đàng hoàng” - bà Minh đề xuất.
Bà Băng Tâm cũng thông tin, Tổng cục Thủy sản đang phối hợp Công ty Vĩnh Hoàn để triển khai chương trình phát triển phile cá tra Việt Nam chất lượng cao, nhằm để cải thiện hình ảnh cá tra trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự hợp tác của các doanh nghiệp, đặc biệt là sự bắt tay hợp tác của các “ông lớn”, thống nhất cùng nhau xây dựng thương hiệu, cam kết không bán phá giá, kiểm soát lượng đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm…
“Cũng cần phải xây dựng chiến lược phát triển xanh cho cá tra, theo chuẩn Organic chẳng hạn. Vì đây là sản phẩm được thị trường châu Âu rất ưa chuộng, giá bán cao hơn 50% so với các sản phẩm thủy sản thông thường khác”, ông Nguyễn Như Thảo – một doanh nhân kinh doanh thủy sản tại Đan Mạch về Việt Nam dự Vietfish 2017, góp ý thêm.
Nhiều nước quản lý vùng nuôi bằng mã số
Các chuyên gia cho biết, Việt Nam cần phải hướng tới hướng sản xuất sạch, hữu cơ và có tính dài hạn cho cá tra, phải kiểm soát đầu vào từ vùng nuôi. Như cá hồi Nauy, trong giai đoạn con cá này phát triển rất mạnh, chính phủ cũng yêu cầu người chăn nuôi phải đăng ký, cấp phép, quy định vị trí nuôi… rồi mới được phép thả nuôi. Từ đó, tạo ra vị thế và điều kiện để gia tăng giá trị cho sản phẩm này trên thị trường.