TIN THỦY SẢN

Cá tra xuất khẩu đang sụt giảm

K. Linh

Theo ThS. Dương Hoàng Lan Chi - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, giá trị xuất khẩu cá tra trong năm nay sẽ giảm khoảng 4% so năm ngoái do nhu cầu thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.

Cụ thể, trong khối EU, nguồn cung cá tuyết sẽ tiếp tục tăng làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của cá tra trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN đang khuyến khích phát triển nuôi cá da trơn, làm hạn chế nhu cầu nhập khẩu và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa.

Giá cá tra khó đạt mức 23.000 đồng/kg

Theo ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện nay, mặc dù hoạt động tự nuôi cá nguyên liệu đã bước đầu hình thành trong doanh nghiệp, tuy nhiên chưa phát huy hết tiềm năng và thiếu liên kết chuỗi với người dân. Nhiều doanh nghiệp không dự báo được tình hình, chủ yếu dựa vào thu mua cá giá rẻ từ nông dân dẫn đến tình trạng thiếu chủ động về nguồn nguyên liệu. Cụ thể, nguyên liệu thiếu hụt năm 2016 giảm trên 40%, thời điểm giảm mạnh nhất là giai đoạn tháng 5.2016 đến quý I/2017 và mức thiếu hụt dự kiến là khoảng từ 50% .

Theo bà Lan Chi, trong 6 tháng đầu năm 2016, giá cá tra có nhiều biến động theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa đủ bù chi phí. Cụ thể, trong quý II/2016, giá cá tra nguyên liệu tại thị trường trong nước tăng nhẹ từ 18.000 - 19.300 đồng/kg lên 20.300-20.800 đồng/kg. Tuy vậy, các hộ nuôi trồng vẫn không quyết định mở rộng diện tích nuôi trồng, do giá bán còn thấp hơn nhiều so với chi phí. Với mức giá 19.000 - 20.000 đồng/kg, nông dân ĐBSCL đang lỗ từ 1.500 - 3.000 đồng/kg, vì chi phí nuôi cá tra khoảng từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.

Do vậy, bà Lan Chi dự báo: "Với tình hình thị trường và diễn biến thời tiết như những tháng đầu năm, khả năng giá cá tra đạt mức 23.000 đồng/kg trong thời gian tới là rất khó. Do đó, các hộ nông dân chưa chủ động đầu tư, mở rộng nuôi trồng mặc dù nguồn nguyên liệu đang hết sức khan hiếm".

Xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU gặp khó

Theo chuyên gia Lan Chi, ngay từ tháng 1.2016, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 (sau Mỹ và EU) của các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị đạt trên 17 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, một số thị trường nhập khẩu khác như Hoa Kỳ, EU đều giảm mạnh từ 10 - 40% so với năm 2015 bởi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường này rất chậm, yêu cầu khắt khe và khó tính hơn về chất lượng sản phẩm nhưng giá bán không tăng. Mặt khác, sản phẩm xuất khẩu của nước ta chủ yếu giá trị gia tăng thấp, sản phẩm cá tra đông lạnh xuất khẩu chiếm tới 99,03% trong khi sản phẩm cá tra chế biến thuộc mã HS 16 chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 0,97% .

Bên cạnh đó, bà Lan Chi cho rằng, tình hình xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn do chương trình giám sát cá da trơn bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3.2016; cùng với đó là thuế chống bán phá giá và áp lực cạnh tranh với các loại cá thịt trắng, các sản phẩm cá rô phi tại thị trường Mỹ. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, 3 tháng đầu năm nay, trong khi cá tra Việt Nam chỉ chiếm hơn 19% thì cá rô phi chiếm đến gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ.

Theo đó, bà Lan Chi đề xuất, phát triển thị trường qua các kênh hội chợ quốc tế và thương mại điện tử cá tra là cách để giảm chi phí tiếp cận thị trường. Đặc biệt là việc xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu, cá giống để liên kết thương mại điện tử phục vụ cho truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu bởi hiện nay, phần lớn cá tra xuất khẩu dưới dạng phile đông lạnh, phần chế biến giá trị gia tăng rất ít.

Mặt khác, Vasep lưu ý, Trung Quốc là thị trường lớn nhiều tiềm năng nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro. Tuy xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc liên tiếp đạt mức hai con số song các doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng để tránh những bài học đáng tiếc xảy ra như một số mặt hàng nông sản khác.

K. Linh Lao Động, 12/09/2016