Phấn đấu ương dưỡng giống cá tra hao hụt dưới 85%
Ương dưỡng giống cá tra hiện nay, tỷ lệ hao hụt trên 90% và Cục Thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới giảm xuống dưới 85%, tỷ lệ cá sống đạt 15-20%.
Chưa có cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh
Cục Thủy sản cho biết, đến nay cả nước chưa có cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá tra giống đăng ký, thực hiện và được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.
Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sinh sản cá bột; 1.842 cơ sở ương dưỡng cá bột lên cá giống
Với 2 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ, Cục Thủy sản đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ và hàng năm được kiểm tra duy trì theo quy định. Công suất sản xuất một năm trên 30.000 con cá bố mẹ, đáp ứng nhu cầu sản xuất giống.
Với 76 cơ sở sinh sản cá bột, có 61 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (tỷ lệ gần 80,3%%). Với 1.842 cơ sở ương dưỡng cá bột lên cá giống, có 97 cở sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (tỷ lệ gần 5,3%%). Tuy nhiên, nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận lại không duy trì hoạt động. Đến hết tháng 9/2024, các địa phương kiểm tra duy trì hoat động cho 38/61 cơ sở sinh sản cá bột, 81/97 cơ sở ương dưỡng cá bột lên cá giống. Đã thu hồi trên 10 giấy chứng nhận do cơ sở không hoạt động sản xuất.
Tỷ lệ hao hụt trong sản xuất giống còn cao
Báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết tỷ lệ ương dưỡng từ cá bột lên cá giống chỉ đạt 4%-7,9%, như vậy đang hao hụt từ 92,5% – 96%.
Cụ thể ở tỉnh Đồng Tháp có 86 cơ sở sinh sản cá bột và 850 cơ sở ương dưỡng cá bột lên cá giống với diện tích 800 ha. Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản xuất được 11,8 tỷ cá bột và 931 triệu con cá tra giống, đạt tỷ lệ gần 7,9%. Tỷ lệ hao hụt từ cá bột lên cá giống là 92,1%.
Ở tỉnh An Giang có 11 cơ sở sinh sản cá bột đang hoạt động với năng lực sản xuất một năm 18,4 tỷ con cá tra bột. Và 534 cơ sở ương dưỡng cá bột lên cá giống với diện tích 750 ha, trong 9 tháng đầu năm 2024 đã sản xuất 1,44 tỷ con cá tra giống, đạt tỷ lệ 7,8%. Tỷ lệ hao hụt từ cá bột lên cá giống là 92,2 %.
Còn ở tỉnh Tiền Giang có 3 cơ sở sinh sản cá bột; sản lượng cá bột trung bình hàng năm từ 2 - 5 tỷ con tùy theo nhu cầu của thị trường ương dưỡng. Có 75 cơ sở với 240 ha ương dưỡng cá bột lên cá giống, và đạt sản lượng cá giống trung bình hàng năm 150 – 200 triệu con. Như thế, ưng dưỡng cá bột lên cá giống đạt tỷ lệ từ 4% - 7,5%; Tỷ lệ hao hụt từ 92,5% - 96%.
Phấn đấu nâng tỷ lệ cá sống lên 15-20% trong thời gian tới
Cục Thủy sản đặt mục tiêu năm 2025, sản xuất khoảng 35 tỷ con cá bột và ương dưỡng 4-4,5 tỷ cá giống, đạt tỷ lệ từ 11,4% -12,9%, và hao hụt từ 87,1% - 88,6%. Phấn đấu trong thời gian tới nâng tỷ lệ cá bột lên cá giống từ 15-20%, tức là hạ tỷ lệ hao hụt xuống từ 80%-85%.
Một số giải pháp trọng tâm được Cục Thủy sản nêu ra để nâng cao chất lượng giống cá tra. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ phile, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn v.v..) theo nhu cầu thị trường; công nghệ vaccin phòng bệnh, di truyền phân tử …để nâng cao chất lượng giống cá tra. Tập trung tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, kiểm tra duy trì theo quy định của Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn.
Triển khai kiểm tra, thanh tra xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống cá tra trong sản xuất, ương dưỡng, lưu thông. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm kiểm tra tại các tỉnh trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất và chất lượng cá tra giống.
Tổ chức thực hiện thành công Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất cá tra giống tập trung tại Đồng Tháp, An Giang. Hoàn thiện hệ thống giống cá tra 3 cấp, từ sản xuất cung ứng giống bố mẹ, sản xuất giống thương phẩm đến ương nuôi thành giống thương phẩm.