TIN THỦY SẢN

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành chế biến thủy - hải sản

Mai Chí Cường (Chuyên viên Sở Công thương)

Trong ngành chế biến thủy- hải sản, hệ thống lạnh cho sản xuất và tích trữ chiếm đến hơn 70% tổng năng lượng tiêu thụ. Trường hợp áp dụng tốt những giải pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản trong quá trình vận hành, doanh nghiệp có thể tiết kiệm từ 10-15% năng lượng tiêu thụ, mà không cần tốn chi phí đầu tư lớn. Bài viết này xin giới thiệu một số giải pháp về sử dụng hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay.

HỆ THỐNG LÒ HƠI

Sử dụng các lò hơi có hiệu suất cao, công suất phù hợp, tránh tình trạng non tải.

Bố trí, lắp đặt hệ thống phân phối hơi hợp lý, giảm thất thoát nhiệt trong phân phối hơi.

Bọc bảo ôn cho hệ thống hơi: Đường ống dẫn hơi, hệ thống thu hồi nước ngưng.

Thu hồi nước ngưng làm nước cấp cho lò hơi.

Tận dụng nhiệt khói thải lò hơi để gia nhiệt cho các lưu chất khác như nước cấp, dầu (FO) đốt lò, khí cấp cho lò.

Sử dụng các thiết bị nâng cao hiệu qủa đốt cháy nhiên liệu (tạo nhũ tương…).

Nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho lò hơi, giảm chi phí và ô nhiễm môi trường như sử dụng nhiên liệu là than cám hay phế phẩm nông nghiệp.

Vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ lò hơi, hệ thống hơi tránh rò rỉ, xử lý chống cáu cặn trong lò.

HỆ THỐNG LẠNH

Sử dụng các công nghệ làm lạnh hiệu suất cao.

Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh định kỳ thiết bị trao đổi nhiệt như bình ngưng, dàn ngưng, bình và dàn bay hơi.

Giảm sự xâm nhập nhiệt từ bên ngoài và các thiết bị tỏa nhiều nhiệt bên trong kho lạnh, hệ thống lạnh: Cách nhiệt, đảm bảo độ kín cho kho lạnh, cho đường ống, che nắng cho dàn giải nhiệt, dùng đèn chiếu sáng và động cơ quạt dàn lạnh hiệu suất cao trong kho lạnh.

Sử dụng các công nghệ tích trữ lạnh.

Thu hồi nước lạnh thải ra từ khâu mạ băng sản phẩm ở các dàn cấp đông có nhiệt độ từ 6-100C, tận dụng để điều hòa không khí cho các phân xưởng.

ĐỘNG CƠ

Sử dụng động cơ có công suất phù hợp, hiệu suất cao cho từng thiết bị và bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên.

Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, như: Biến tần, Powerboss (Powerboss là một thiết bị điều chỉnh công suất động cơ bằng cách cấp vừa đủ điện năng cần thiết thông qua thay đổi điện áp cấp cho động cơ) cho các động cơ hoạt động trong tình trạng non tải hay tải thường xuyên thay đổi, như: Quạt lò hơi, bơm nước lạnh, bơm nước giải nhiệt, máy nén khí…

CHIẾU SÁNG

Ưu tiên sử dụng đèn led và đèn compact để chiếu sáng nhà xưởng. Sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn led sẽ tiết kiệm từ 60% - 70% chi phí điện năng so với sử dụng đèn huỳnh quang thông thường.

THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ VẬN HÀNH

Tận dụng sản xuất trong giờ thấp điểm để giảm chi phí tiền điện và giảm tải cho hệ thống điện. Tùy theo đặc điểm vận hành của từng nhà máy mà có chế độ vận hành phù hợp nhằm giảm phụ tải giờ cao điểm.

Chẳng hạn như tập trung sản xuất đá vảy trong giờ thấp điểm, dự trữ để sử dụng trong giờ bình thường và giờ cao điểm hoặc có kế hoạch trữ nước lạnh để phục vụ cho khâu chuẩn bị cần nước lạnh và đá trộn chung. Nước lạnh này có thể làm nước cấp cho các máy đá vảy, giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ ở các máy làm đá vảy.

XÂY DỰNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG

Lắp đặt đồng hồ đo đếm cho các khu vực, áp dụng định mức tiêu thụ năng lượng cho các bộ phận sản xuất, tăng cường ý thức tiết kiệm năng lượng và áp dụng chính sách thưởng phạt đối với người lao động.

Mai Chí Cường (Chuyên viên Sở Công thương) Báo An Giang, 01/09/2015