Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản
Nhiều thủ tục hành chính (TTHC ) đang là rào cản gây tốn kém đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh; và vì vậy cải cách TTHC đang là một trong những vấn đề hàng đầu được các doanh nghiệp thủy sản quan tâm hiện nay, nhất là tháo gỡ các bất hợp lý về TTHC quản lý chất lượng, ATTP thủy sản.
VASEP tham gia Hội đồng tư vấn của Chính phủ
Ngày 28/02/2013, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 367/QĐ-Ttg về việc thành lập Hội đồng Tư vấn (HĐTV) Cải cách TTHC. HĐTV gồm 26 thành viên, là đại diện của các cơ quan của Đảng, Quốc hội, một số bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - là 1 trong 3 đại diện hiệp hội ngành hàng được bổ nhiệm làm thành viên HĐTV.
Từ trước đó, trong giai đoạn 2007 – 2010, VASEP đã rất tích cực tham gia Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (Đề án 30) của Chính phủ thông qua các hoạt động như thành lập nhóm công tác rà soát TTHC liên quan đến hoạt động XNK nói chung và thủy sản nói riêng; phối hợp với các tổ chức hiệp hội ngành hàng như Dệt - May, Da – Giầy, tổ chức hội thảo, tổ chức các đoàn công tác khảo sát tình hình thực tế tại DN; tập hợp ý kiến, đề xuất kiến nghị của các DN hội viên đối với các nội dung của Đề án 30, v.v...
Ông Trương Đình Hòe: “Kết quả của cải cách TTHC sẽ góp phần giúp DN thủy sản XK ổn định”
Những thành công trong việc thực hiện Đề án 30 đã đáp ứng và tháo gỡ được rất nhiều khó khăn cho các DN ngành thủy sản. Điển hình như việc ưu tiên thông quan nhanh, thu hẹp diện nguyên liệu thủy sản NK phải chịu thuế, bỏ quy định khai báo định mức nguyên liệu tạm tính, bỏ quy định cứng về thời hạn tái xuất đối với sản phẩm bị trả về, bỏ quy định “tờ khai NK trước, tờ khai XK trước phải được thanh khoản trước”, bỏ quy định xác nhận thực xuất hàng hóa, bỏ giấy phép NK tự động của Bộ Công thương đối với hàng thủy sản, bỏ yêu cầu Giấy CNCL đối với lô hàng thủy sản NK từ tàu cá,…
Với tư cách là thành viên HĐTV, VASEP đã và đang tham gia đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương, trong đó, đặc biệt là đánh giá thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm dịch thủy sản XNK.
Trong 2 ngày 18 & 19/9/2013, HĐTV cải cách TTHC và VASEP đã tổ chức các hội nghị “Đánh giá tình hình thực hiện TTHC trong lĩnh vực kiểm tra ATTP và kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản XNK” tại Tp Cà Mau và Tp Hồ Chí Minh. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện cải cách TTHC cũng như tổng hợp các ý kiến, kiến nghị và vướng mắc của DN liên quan đến TTHC trong quản lý XNK thủy sản, từ đó tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi các TTHC và quy định hành chính phù hợp với tình hình thực tế của xã hội.
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo các DN XNK thủy sản, hiện nay có 2 nhóm vướng mắc chính liên quan đến TTHC.
Thứ nhất, đối với lĩnh vực chứng nhận ATTP thủy sản XK, cách tiếp cận kiểm soát ATTP đến nay vẫn tập trung chủ yếu vào khâu chế biến. Việc kiểm nghiệm lô hàng XK được xem là cách tiếp cận chính bên cạnh việc kiểm soát điều kiện sản xuất nghiêm ngặt, thực chất là hình thức kiểm soát kép để làm điều kiện cấp chứng thư cho lô hàng XK. Trong khi các mối nguy về ATTP lại tồn tại chủ yếu trong khâu sản xuất và bảo quản nguyên liệu trước chế biến. Điều này đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với quá trình sản xuất kinh doanh của DN, như gia tăng đáng kể các hoạt động kiểm soát, tăng chi phí (1,5 – 2 lần), mất nhiều thời gian, khiến DN Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng tới nỗ lực tăng cường XK.
Thứ hai, trong lĩnh vực kiểm dịch thủy sản NK, các DN đang vấp phải hàng loạt trở ngại do các quy định, như TT 01/2012 của Bộ Tài chính quy định thông quan hàng hóa NK phải kiểm dịch; thủ tục đăng ký kiểm dịch (xin giấy phép kiểm dịch) đối với sản phẩm thủy sản NK là hàng mẫu; khó khăn liên quan đến quy định cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C) cho lô hàng NK; khó khăn trong việc xác định Form H/C của Cơ quan thẩm quyền nước XK cấp…
Ông Võ Văn Phục, TGĐ Công ty CP Thủy sản Sạch (Sóc Trăng) đã chỉ rõ một số thủ tục rất nhiêu khê, chẳng hạn thủ tục cấp chứng thư của NAFIQAD và cấp C/O của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). “Hiện thủ tục cấp chứng thư chỉ có ý nghĩa trong nước, tại các nước NK thì gần như không có giá trị và việc lấy mẫu kiểm không mang ý nghĩa thực tế, làm mất thời gian, chi phí kiểm của DN. Tôi đề nghị giảm bớt thủ tục, chỉ kiểm khi thực sự cần thiết, khi nước NK yêu cầu. Ngoài ra, VCCI có chức năng hỗ trợ DN để tăng cường hoạt động thương mại, tuy nhiên thủ tục cấp C/O hiện nay lại rất nhiêu khê và cũng làm mất rất nhiều thời gian”- ông Phục phát biểu.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, GĐ Kinh doanh Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Vĩnh Lộc thì cho rằng, với cách kiểm tra cấp chứng thư hiện nay, chúng ta đang giải quyết bài toán chất lượng hàng thủy sản từ ngọn chứ không phải từ gốc. “Tôi luôn băn khoăn, tại sao NAFIQAD hay Bộ NN&PTNT không quy định một cơ quan nào đó có chức năng kiểm soát ngay từ nguồn nguyên liệu? Đây mới là mấu chốt của vấn đề và việc này đã kéo dài quá nhiều năm”.
Hội đồng tư vấn cải cách TTHC ra mắt vào đầu tháng 4/2013 tại Hà Nội
Nhiều DN khác như Công ty Incomfish, Công ty SaigonFoods,… cũng phàn nàn về những rườm rà trong thủ tục kiểm soát NK nguyên liệu, đáng lẽ chỉ cần qua 1 cửa thì lại buộc phải chạy qua 2 – 3 cửa mới giải quyết được, khiến DN mất quá nhiều thời gian và công sức.
Thậm chí, hiện tại các bao bì NK về để đóng gói sản phẩm XK cũng bị kiểm tra VSATTP. “Đây là điều khá bất cập và vô lý, vì các bao bì này sau khi đóng gói sản phẩm chúng tôi đều xuất ra nước ngoài, không hề tiêu thụ nội địa thì có liên quan gì mà cần phải kiểm tra”- ông Nguyễn Huy Long, đại diện Công ty TNHH Đồ hộp Việt Cường bức xúc.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTV Cải cách TTHC hoan nghênh những đề xuất và kiến nghị từ phía các DN và nhấn mạnh sự cần thiết của các kiến nghị phản biện này. Ông đề nghị VASEP tiếp tục tổ chức thu thập, ghi nhận và tổng hợp ý kiến đóng góp của các DN trong ngành thủy sản để trình lên HĐTV.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, cùng với những kết quả trong thực hiện cải cách TTHC và việc thị trường một số nước gỡ bỏ rào cản, hy vọng từ nay đến cuối năm, các DN thủy sản sẽ có điều kiện nỗ lực tăng tốc để kịp cán đích 6,5 tỷ USD kim ngạch XK, như kỳ vọng mà ngành đã đặt ra từ đầu năm.