Cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá biển
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Mexico và Nauy đã cho thấy ảnh hưởng của sử dụng kỹ thuật ép đùn trong chế biến thức ăn thủy sản đến hiệu suất tăng trưởng và hệ vi sinh vật đường ruột của cá biển nuôi. Tác phẩm được xuất bản trên tạp chí Animal Feed Science and Technology.
Trong nghiên cứu này, hiệu quả của việc ép đùn thức ăn thủy sản sử dụng thiết bị ép không hoặc có áp suất ở nhiệt độ cao/thấp đến hệ vi sinh đường ruột và hiệu suất tăng trưởng của cá Totoaba (Totoaba macdonaldi) đã được đánh giá.
Tại sao cần ép đùn thức ăn?
Ép đùn là công nghệ ép viên ở áp lực cao và nhiệt độ cao để tạo viên thức ăn. Áp lực nén cao tạo ra áp lực lớn lên viên thức ăn để khi ra khỏi khuôn ép viên thức ăn sẽ nở ra. Nhiệt độ cao (120-125oC)để hoàn toàn hồ hóa tinh bột giúp làm gia tăng độ nhầy, nhớt của khối thức ăn trong buồng ép đồng thời giúp gia tăng độ tiêu hóa tinh bột và carbohydrate khác có trong thức ăn.
Thay đổi chế độ ăn uống là một trong những “động lực” để thay đổi các thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm chủng loại, số lượng của các vi sinh vật góp phần cân bằng chất dinh dưỡng cho cá. Nghiên cứu trước đây cũng đã khám phá ảnh hưởng của carbohydrates trong chế độ ăn uống đối với vi sinh vật đường ruột trên cá. Hệ vi khuẩn đường ruột của cá có thể được coi là cơ quan có khả năng thích nghi về mặt trao đổi chất và cộng đồng vi sinh vật này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển, miễn dịch và dinh dưỡng trên cá.
Trong nuôi cá biển người ta thường sử dụng thức ăn tươi sống cho cá mà không thông qua quá trình ép đùn và ít sử dụng tinh bột hoặc tinh bột chỉ được nấu chín một phần.
Cá Totoaba. Ảnh: México Ambiental
Cá Totoaba là một loài cá biển ăn thịt – rất có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản và có thể giúp bảo tồn loài cá heo vaquitas - một loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng. Do đó, các yêu cầu dinh dưỡng của cá totoaba được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đã được thực hiện trên cá này bằng cách sử dụng chế độ ăn không ép đùn.
Khi sản xuất cá ở quy mô thương mại cá cần có tốc độ tăng trưởng cao, và kiến thức về hệ vi sinh vật trong ruột cá cần có để cho phép thúc đẩy vi sinh vật có lợi nhằm hỗ trợ sự phát triển của cá Totoaba nuôi.
Sử dụng thức ăn ép đùn có bổ sung tinh bột cho cá biển
Trong thử nghiệm cho ăn, 1.000 con cá vị thành niên được cho ăn một trong ba chế độ ăn thử nghiệm trong thời gian 17 ngày.
1. Một chế độ ăn uống đối chứng được tạo ra không có carbohydrate để bắt chước chế độ ăn tự nhiên của loài cá ăn thịt (cá tạp).
Chế độ ăn uống đối chứng có hàm lượng protein cao hơn nhiều so với khẩu phần ăn thực nghiệm nên nó không được sử dụng để so sánh hiệu suất sinh trưởng nhưng để đánh giá và so sánh hệ vi khuẩn đường ruột với các nhóm khác.
2. Hai chế độ ăn thử nghiệm được chế biến để có bổ sung thêm 60g tinh bột tinh khiết/kg thức ăn.
Trong đó 1 nhóm thức ăn được chế biến bằng việc sử dụng phương pháp ép đùn trong điều kiện bình thường (ED), và chế độ ăn thứ hai được chế biến bằng phướng pháp ép đùn sửa đổi (MED).
Thức ăn sản xuất bằng phương pháp ép đùn sửa đổi được điều khiển thông qua máy đùn nhưng không có hơi nước hoặc áp suất thêm vào trong quá trình chế biến.
Cá được thu hoạch vào ngày 17, sau đó mô cá và ruột cá được thu thập để phân tích. Mẫu phân và thức ăn được thu thập trong suốt quá trình thử nghiệm để phân tích và thiết lập khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, tro không tan trong axit (AIA) và hệ số tiêu hóa (ADC).
Cá cũng được đánh giá về trọng lượng, hệ số tăng trưởng, hiệu suất chuyển hóa thức ăn (FCA), và tỷ lệ hiệu quả của protein thức ăn(PER).
Kết quả:
Cá ở chế độ ăn uống ép đùn ( áp suất và nhiệt độ cao) (ED) có sự tăng trọng cao hơn, cải thiện PER và FCA khi so sánh với những nhóm cá khác ở chế độ ăn từ thức ăn ép đùn sửa đổi (không có hơi nước và áp suất thêm vào).
Tỉ lệ hiệu quả của protein (PER) của chế độ ăn uống ED cũng cao hơn so với chế độ ăn uống đối chứng (không có tinh bột). Cá nhận được chế độ ăn ép đùn cũng có hệ số tiêu hóa của các chất dinh dưỡng như chất khô, protein, chất béo và carbohydrate tốt hơn.
Các carbohydrates cao trong chế độ ăn uống ED dẫn đến sự phong phú tương đối của Vibrio spp. và Photobacterium.
Hiểu được hiệu quả mà các chất dinh dưỡng trong thức ăn đối với hệ vi sinh vật của cá là cần thiết để thiết kế thức ăn mới sử dụng trong các hệ thống sản xuất thâm canh.
Kết quả báo cáo này cho thấy việc bổ sung carbohydrate (tinh bột) trong thức ăn cá biển là rất cần thiết, và quá trình ép đùn thức ăn cũng giúp tăng cường chất lượng thức ăn từ đó cải thiện sự phát triển của cá và tỷ lệ hiệu quả của protein và cũng như hiệu quả chuyển đổi thức ăn trên cá. Áp dụng công nghệ ép đùn thức ăn cho cá biển vừa cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn cho cá biển vừa thúc đẩy tăng trưởng trên cá biển nuôi.
Nhóm nghiên cứu: Fernando Barreto-Curiel, Shamayim Ramirez-Puebla, Einar Ringø, Alejandra Escobar-Zepeda, Ernestina Godoy-Lozano, Rafael Vazquez-Duhalt, Alejandro Sanchez-Flores, María Viana