TIN THỦY SẢN

Cải thiện phúc lợi tôm nuôi để nâng tầm giá trị sản phẩm

Nuôi tôm dưới tán rừng với góc nhìn bảo vệ phúc lợi tôm cũng là đảm bảo hệ sinh thái bền vững Sáu Nghệ

Khái niệm “Phúc lợi tôm” quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn mới lạ ở nước ta, thực hiện được sẽ góp phần đảm bảo ngành nuôi tôm phát triển bền vững, nâng tầm giá trị sản phẩm. Sau đây là phân tích cùng những đề xuất của bà Châu Thị Tuyết Hạnh, chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản của Cục Thủy sản.

Nguyên tắc đảm bảo phúc lợi động vật 

Ở thời hiện đại, con người nhận thức được về mặt khóa học: Sinh vật sống có tri giác, cảm nhận đau đớn, đói khát, vui buồn. Về pháp lý: Động vật thuộc sở hữu của con người, con người quyết định việc sản xuất, khai thác, nghiên cứu. Và về đạo đức: Động vật cần được đối xử nhân đạo.

Nên 28 nước châu Âu từ lâu đã ban hành Luật Phúc lợi động vật và năm 1998, EU có chỉ thị chung cho các nước về Phúc lợi động vật trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Các nước ở Bắc Mỹ cũng đã ban hành luật Thú y, Luật Phúc lợi động vật. Ở châu Á, nhiều nước có Luật Phúc lợi động vật cùng với An toàn sinh học, sức khỏe động vật và môi trường.

Phúc lợi động vật dành cho tôm. Ảnh: Aquavet

Áp dụng với động vật được nuôi, giữ làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Gồm động vật trên cạn, cá, động vật không xương sống (giáp xác). Nguyên tắc là đảm bảo cho động vật không bị đói, khát; Không bị khó chịu; Không bị đau đớn, thương tích, bệnh tật; Tự do thể hiện hành vi bình thường; Không sợ hãi và căng thẳng.

Từ đó có nguyên tắc đảm bảo phúc lợi động vật thủy sản với 5 điểm: 

1. Dinh dưỡng gồm protein, chế độ cho ăn, lượng thức ăn cung cấp; 

2. Môi trường gồm chất lượng nước, dịch hại, mật độ nuôi; 

3. Sức khỏe gồm sức khỏe động vật, dịch bệnh, biểu hiện hình thái bên ngoài; 

4. Trạng thái gồm vận động, hô hấp, bắt mồi, gây mê, vận chuyển, giết mổ; 

5. Cảm nhận gồm đói, khát, lo lắng, sợ hãi, đau đớn.

Phát triển đến phúc lợi tôm, quốc tế bổ sung luật/đổi mới tiêu chuẩn. Như ở nước Anh vào năm 2022 và các nước Úc, NewZealnds, Mỹ, EU, Thái lan…Trong các tiêu chuẩn, chẳng hạn ASC chỉ báo trong nội dung sức khỏe và phúc lợi tôm từ tiêu chuẩn cho cá nuôi, quá trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm tôm. Tiêu chuẩn Global GAP từ 1/1/2024 đưa vào sử dụng bắt buộc Global 6.0, tập trung các tiêu chí bền vững (nhựa, chất thải, trung hòa carbon… phúc lợi động vật) áp dụng cho rau quả và nuôi trồng thủy sản.

Những thay đổi kỹ thuật đáng chú ý: Không cắt mắt trong sản xuất giống tôm, gây mê bằng thiết bị điện, thay đổi nguồn protein trong thức ăn…

Thực hiện ở nước ta và kiến nghị

Điều 21 luật Thú y: Đối xử với động vật (chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng , vận chuyển phù hợp; giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo đối với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu huỷ, phòng, chữa bệnh…). Nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết đối với động vật thủy sản. 

Luật Chăn nuôi: Điều 69,70,71,72 Quy định đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, vận chuyển; giết mổ, nghiên cứu khoa học và mục đích khác), TCVN: 12448: áp dụng cho động vật trên cạn.

Như thế, ở nước ta đã có luật quy định đối xử nhân đạo với động vật thủy sản trong sản xuất, vận chuyển, giết mổ. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn chi tiết về đảm bảo phúc lợi cho động vật thủy sản. Nhận thức về phúc lợi động vật còn mới, chưa đầy đủ. Đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho tôm dẫn tới khó đáp ứng các quy định.

Nhiều tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho tôm dẫn tới khó đáp ứng các quy định

Các tiêu chuẩn ASC, BAP, Global GAP…, TCVN 12448-2018 Quản lý phúc lợi động vật có yêu cầu chung và hướng dẫn các tổ chức trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Nhìn chung, các tiêu chuẩn GAP chưa có tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể đối với phúc lợi tôm; mặc dù đã cải tiến kỹ thuật nuôi để đảm bảo phúc lợi tôm nuôi sinh thái. Nuôi tôm sinh thái như tôm-rừng, tôm-lúa, tôm-cá… dưới góc nhìn bảo vệ phúc lợi động vật thủy sản cũng là đảm bảo hệ sinh thái bền vững.

Trong bối cảnh khái niệm “Phúc lợi tôm” còn quá mới mẻ, ở nước ta có thể sử dụng khái niệm “Bảo vệ sức khỏe tôm” để thay thế. Từ đó, lựa chọn hướng dẫn kỹ thuật từ quốc tế để xây dựng hướng dẫn phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hợp tác và lôi cuốn sự tham gia của các bên liên quan chuỗi giá trị tôm: Chính quyền, hội/hiệp hội, nhà máy chế biến. 

Để đảm bảo phúc lợi tôm nuôi 

Xây dựng hướng dẫn đảm bảo phúc lợi tôm phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam cần rà soát quy định, chính sách đổi với phúc lợi động vật thủy sản. Đổi mới công nghệ, kỹ thuật nuôi đảm bảo phúc lợi động vật. Xây dựng lộ trình luật hóa việc đảm bảo phúc lợi tôm và quản lý sức khỏe tôm để nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường. 

Đảm bảo phúc lợi tôm nuôi là đảm bảo phát triển bền vững, nâng tầm giá trị tôm nuôi. Trước hết, doanh nghiệp và người nuôi tôm xây dựng áp dụng các tiêu chuẩn, biện pháp sản xuất phù hợp quy định mới của thị trường về phúc lợi động vật tôm nuôi, giảm phát thải carbon. Nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tiếp cận thị trường quốc tế. 

Trong chế biến xuất khẩu, đổi mới công nghệ, nhận thức sản xuất theo yêu cầu mới thị trường. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm. Hợp tác, liên kết sản xuất (Cam kết/hợp đồng), giảm giá thành sản xuất.

Tóm lại, cải thiện phúc lợi tôm, làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn dựa trên sự hiểu biết đối với phúc lợi động vật, sẽ có giá trị cao được nhiều thị trường đón nhận.

Sáu Nghệ