Cần khôi phục các vùng lúa - cá đồng để phát triển kinh tế hộ ở Cà Mau
Ðối với những vùng sản xuất hai vụ lúa khó khăn do nguồn nước ngọt hạn chế, thiếu các điều kiện hạ tầng như Cà Mau thì nên khai thác lợi thế riêng vùng ruộng sâu, trở lại với một vụ lúa mùa chất lượng cao, còn lại phát triển các loại cây con khác sẽ kinh tế hơn.
Khai thác lợi thế
Vùng đất Cà Mau xưa kia từng là cái nôi của cây bồn bồn, các giống lúa mùa ngon cơm, năng suất khá như một bụi, tép hành, tài nguyên, nàng quớt, chín tèo, nếp đò, nếp than... và cũng nổi tiếng vì nguồn lợi cá đồng rất phong phú về số lượng, chủng loại lẫn chất lượng. Nhiều món ăn khiến người ăn một lần nhớ mãi, như cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng, cá rô kho tộ hay chiên xù, cá lóc nướng trui, khô cá bổi nướng than hồng, lẩu mắm rau đồng... Dân nghèo chỉ việc nhổ bồn bồn làm dưa, giăng lưới bắt những con cá lớn mang đi bán và thả chừa lại những con cá nhỏ chưa đủ tuổi trưởng thành. Rất nhiều nông dân vùng sâu, vùng xa, ruộng đất nhiều không cần cấy lúa vì năng suất thấp không lãi, mà chỉ thả nuôi cá đồng và chẳng cần cho chúng ăn gì, nhưng bắt tỉa bán cá tươi hay làm khô, làm mắm cũng thừa mua gạo. Còn những người không ruộng thì khai thác bồn bồn, cá tự nhiên ngoài các vùng đất hoang mà sống nhàn nhã không phải lo toan gì nhiều vì "chim trời cá nước" đầy đàn. Mùa mưa là mùa giáp hạt, nhiều nông dân cũng gặp khó khăn do làm lúa mùa mỗi năm chỉ một vụ, hay không làm lúa mà chỉ sống nhờ khai thác đìa vào mùa khô, cho nên chính cây bồn bồn, con cá đồng là cứu cánh của họ.
Nhưng hiện nay, mọi thứ đã thay đổi, bồn bồn phải trồng, nhiều loài đặc sản trên ruộng đã vắng bóng, nhiều giống cá ngon, giá trị cao đang bên bờ tuyệt chủng nhiều nơi. Nguyên nhân không chỉ do dân số tăng nhanh, nhu cầu thực phẩm ngày càng lớn khiến người ta tìm bắt bằng mọi cách, hay do chuyển dịch nuôi tôm, mà chủ yếu do nông dân chạy theo cây lúa tăng vụ, sử dụng nhiều nông dược hóa chất và các giai đoạn khan đồng giữa mùa mưa làm biến đổi sinh thái, con cá đồng bị truy bắt không kể to nhỏ, non già, mùa sinh sản hay mùa khai thác.
Ðổi mới cơ cấu mùa vụ
Hiện nay, một cân bồn bồn giá 25 nghìn đến 30 nghìn đồng, bằng bốn đến năm kg lúa, còn cá đồng tuỳ loại từ 60 nghìn đến 80 nghìn đồng/kg hoặc cao hơn mà nuôi trồng lại rất nhàn nhã, không chi phí gì nhiều. Vậy tại sao Cà Mau không vận động nông dân quay lại với cây lúa mùa dẻo thơm hay cây bồn bồn và con cá đồng để khai thác lợi thế riêng, mà cứ bám theo lúa hè thu, để rồi lúa gạo dư thừa, giá thấp, nông dân làm không có lãi, thậm chí lỗ. Từng địa phương nên tổ chức lại sản xuất theo lợi thế riêng, sao cho trên đồng ruộng ngoài cây lúa người nông dân còn được bảo đảm thu hoạch thêm các nguồn lợi khác, trong đó quan tâm cây bồn bồn dễ trồng và con cá đồng rất dễ nuôi đều đang có giá cao, cho thu lợi lớn ở các vùng ruộng trũng.
Lúa mùa đặc sản hay bồn bồn, cá đồng sẽ là bài toán kinh tế hộ bền vững, cân bằng thu nhập giữa vùng tôm - lúa và vùng lúa giữ ngọt hóa. Ðể thực hiện được kỳ vọng trên thì trước tiên, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và cả thực thi các quy định pháp luật cho nông dân. Ngoài ra, chính quyền cơ sở ấp, xã phải chủ động và tích cực vào cuộc, phải coi đó là "nồi cơm" sống còn của cộng đồng và của chính mình, mạnh dạn ngăn chặn, xử lý, đi đến triệt tiêu hẳn tình trạng khai thác cá đồng bằng các hình thức hủy diệt... trên mọi vùng miền chứ không riêng Cà Mau.
Vấn đề quản lý và khai thác triệt để mặt nước ruộng, ao vườn để sinh lợi cho mọi nhà, tạo dựng lại lợi ích cho cả cộng đồng bằng việc khôi phục phát triển bền vững nguồn lợi cá đồng, thì cần phải có sự chung sức của cộng đồng bằng các hình thức tổ chức lại sản xuất, liên kết hợp tác "nhiều nhà" cho phù hợp, dưới sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng và các đoàn thể về mặt kỹ thuật, tài chính lẫn pháp luật và cả thị trường.