TIN THỦY SẢN

Cần Thơ có 200,76 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn

Cần Thơ có 200,76 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn Phòng Nuôi trồng Thủy sản-Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ

Tình hình nuôi trồng thủy sản thành phố Cần thơ trong 06 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã thả giống với diện tích 2.814 ha, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2016 (3.054 ha), diện tích thu hoach là 1.259 ha với sản lượng nuôi thủy sản đạt 75.840 tấn, bằng 90,3% so với cùng kỳ năm 2016 (83.955 tấn) và đạt 38,7% so với kế hoạch năm (195.900 tấn).

Trong đó, diện tích nuôi cá tra là 462 ha, bằng 85,4% so với cùng kỳ, đạt 59,8% so với kế hoạch năm, diện tích cá đồng nuôi chuyên (cá rô, cá trê, cá thát lát, cá sặc rằn) là 177 ha, bằng 95,7% so với cùng kỳ, đạt 65,6% so với kế hoạch năm và diện tích nuôi cá mương vườn là 1.683 ha vượt 1,3% so với cùng kỳ, đạt 73,2% so với kế hoạch năm.

Tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của thành phố Cần Thơ đạt 200,76 ha, bao gồm: 190,76 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 10 ha BAP+ASC.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 339 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản (cá tra, tôm sú, tôm thẻ,…). Từ đầu năm đến nay, với diện tích ương giống là 481 ha (bằng 76,2% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 59,8% so với kế hoạch năm) đã sản xuất được 1.039,4 triệu cá bột, 182 triệu cá giống các loại (trong đó 129,8 triệu cá tra giống) và 441,7 triệu tôm post.

Tổng sản lượng khai thác của thành phố Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 46.000 tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ; kim ngạch đạt 155,4 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn cung ứng nội địa ước đạt 115 tỷ đồng, tương đương 5,2 triệu USD.

Trong 06 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác của thành phố Cần Thơ đạt 1.467 tấn, bằng 81,3% so với cùng kỳ năm 2016 (1.804 tấn), bằng 35,8% so với kế hoạch (4.100 tấn).

Có được kết quả khả quan như vậy chính là nhờ sự phối hợp công tác tốt của các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan. Ngoài ra, các dự án đầu tư, các đề tài khoa học công nghệ phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản trong quy hoạch được cơ quan quản lý ngành kết hợp với các Viện, Trường triển khai thực hiện đã tạo động lực phát triển ngành thủy sản. Thêm vào đó, được sự chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị được phân bổ kinh phí các chương trình ngay từ đầu năm nên đã chủ động trong việc triển khai thực hiện theo kế hoạch và đều đạt được kết quả tốt.

Bên cạnh một số kết quả khả quan về nuôi trồng thủy sản nói chung, một số loài thủy sản nuôi hiện nay như cá lóc, cá thát lát, cá sặc rằn vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì giá cả thấp, giá bán thường thấp hơn giá thành sản xuất nên các hộ nuôi thua lỗ, gặp khó khăn trong tái đầu tư sản xuất. Tiến độ hoàn thành xây dựng Trung tâm giống thủy sản cấp 1 của thành phố còn chậm nên vai trò tác động, cung cấp con giống thủy sản chất lượng, giới thiệu công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống chất lượng cao còn hạn chế. Liên tục trong các năm qua, giá cá tra thương phẩm luôn biến động ở mức thấp; giá cá giống không ổn định, gây khó khăn trong việc áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt, cũng như quy trình nuôi tiên tiến.

Trong thời gian tới Chi cục Thủy sản sẽ triển khai thực hiện nuôi trồng thủy sản theo “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TPCT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết, chuỗi sản xuất liên kết trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản TPCT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Từ nay đến cuối năm 2017, Chi cục Thủy sản hỗ trợ chứng nhận VietGAP theo kế hoạch “Hỗ trợ cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn TPCT áp dụng Quy phạm thực hành NTTS tốt (VietGAP) với 20 cơ sở nuôi cá tra tại các quận/huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và Ô Môn nhằm phát triển ngành nuôi cá tra theo hướng bền vững, gia tăng giá trị và tính cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục xây dựng liên kết chuỗi và đề xuất liên kết vùng để phát triển bền vững. Tiếp tục thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2017 tại 06 vùng nuôi thủy sản tập trung ở 3 quận/huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và Ô Môn nhằm kịp thời thông báo đến các hộ nuôi có biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi môi trường biến động bất lợi. Ngoài ra, triển khai xây dựng các mô hình trình diễn một số đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế như tôm càng xanh toàn đực, cá chạch lấu, lươn đồng nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản đến quy mô nông hộ. Một trong những vấn đề thị trường và người tiêu dùng hết sức quan tâm đó là thực phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản phẩm thủy sản, Chi cục Thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền thông qua các lớp tập tuấn an toàn thực phẩm và phổ biến kiến thức pháp luật trong nuôi trồng thủy sản đến các hộ nuôi và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản.

Phòng Nuôi trồng Thủy sản-Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ Thủy sản Cần Thơ