Canh bạc máu với báu vật đại dương
Vùi mình dưới lòng biển sâu, bán mạng cho thủy thần với ngồn ngộn những nguy nan, bất trắc, đã có nhiều, rất nhiều người đàn ông ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) kiếm sống bằng nghề lặn nếu không bỏ mạng vì đứt hơi, vì sức ép của dòng chảy, vì bị cá dữ tấn công… cũng trở thành người tàn phế. Người chết yên phận dưới lòng đất lạnh đã đành, chỉ thương những người vợ, người mẹ sống đời với gánh nặng áo cơm và nỗi đau mất mát, đoạn lìa… khôn tả!
1. Cách Quốc lộ 1A 50km, nằm trong phạm vi bán đảo Hòn Hèo, là xã tận cùng và sâu xa nhất với con đường độc đạo đi qua, chẳng biết cơ man nào là đèo dốc, núi đồi và vực sâu, không chỉ là "quê hương" của cây thần dược xáo tam phân, Ninh Vân còn là đại bản doanh của loài voọc chà vá chân đen quý hiếm.
Nhưng sản vật của Ninh Vân không chỉ gắn liền với rừng núi mà xã đảo này còn được xem là thánh địa của những báu vật đại dương: "Hồi cây xáo tam phân còn chưa lên cơn sốt, do quá xa xôi cách biệt nên chẳng mấy ai biết Ninh Vân là nơi yên bình, xinh đẹp, hoang sơ đến tuyệt đối với tôm cá đuề huề. Đến khi cây xáo tam phân được người ta phong là "thần dược" này nọ thì thiên hạ phát sốt, họ đổ về đây ầm ầm chỉ để săn lùng cây thần dược mà chẳng mấy quan tâm vùng biển quê mình còn có biết bao sản vật quý hiếm mà nhờ đó bộ mặt xã đảo đổi thay".
Tâm sự trên là của thầy Bảy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ninh Vân. Trong ngôi nhà nhỏ xinh ngoảnh mặt về phía biển lúc nào cũng mát rười rượi, thầy Bảy bày hàng trăm vỏ ốc, san hô có dáng hình kỳ lạ khiến bất kỳ ai ghé nhà cũng bị hút hồn: "Biển Ninh Vân mình từng một thời rất trù phú, dưới lòng biển tôm cá nhiều vô kể, mà toàn những loài trứ danh như cá mặt quỷ, cá chình, cá bò giáp… Còn cua ghẹ thì bò ngổn ngang khắp nơi. Ốc - mà là những loài có tên trong danh mục sách đỏ Việt Nam và thế giới như ốc tù và, ốc sứ, ốc xà cừ cũng lắm lắm. Xa xa một chút thì san hô đỏ - loại san hô quý hiếm nhất trong các loài san hô mọc thành rừng".
Để minh chứng sự giàu đẹp của vùng biển quê mình, thầy Bảy đưa khách ra cầu tàu, nơi có những đoàn ghe lặn tập kết sản vật trục từ đáy đại dương bỏ mối cho thương lái đến gom hàng để đưa đến các thành phố lớn cho những chủ nhà hàng cao cấp chặt chém thực khách quý tộc.
Trong những cần xé sản vật Ninh Vân, người ta thấy có sự hiện diện của đồn đột (hải sâm), nhum (còn gọi cầu gai vì có hình tròn với gai đâm tua tủa), các loại ốc đậm ngọt hương vị của biển như ốc bàn tay, ốc đụn, ốc giác… Ngoài ra còn có hải mã (cá ngựa), đẻn (rắn biển).
Chẳng riêng gì Ninh Vân, người miệt biển nơi đâu cũng hào sảng nên sau khi đưa khách đi một vòng xã đảo, thầy Bảy kéo khách về nhà thưởng thức những món ngon từ lòng đại dương. Đại tiệc có mực ống hấp gừng, có các món ốc nướng mọi, có gỏi cá mai, có cá dìa nướng lá chuối thịt trắng phau, thơm ngọt và dai như thịt gà thả vườn…
Cuộc vui trở nên đầm ấm hơn khi có sự tham gia của một số cán bộ xã, trong đó có ông Trà Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã, người rất tâm huyết với việc bảo vệ cây xáo tam phân và đàn voọc chà vá của quê mình…
2. Trong gió lộng chiều tà, chuyện xưa chuyện cũ, chuyện gần chuyện xa, chuyện được chuyện mất đan xen giữa những người con Ninh Vân đã mở ra nhiều chuyện vui buồn lẫn lộn.
Chuyện vui ở Ninh Vân thì cũng nhiều như nhờ sự đầu tư làm đường của tỉnh mà Ninh Vân không còn là ốc đảo, cuộc sống của người dân ngày càng khá lên nhờ nghề lặn… và chuyện buồn, cũng bắt đầu từ đó.
"Nghề lặn ở Ninh Vân mình nổi lên từ đầu những năm 1990. Trước đó, bà con chỉ biết gắn bó với nghề nông với việc trồng củ lang, củ mì…, khi cần cải thiện bữa ăn thì ra biển quăng lưới, chỉ là đánh bắt ven bờ, chẳng có kiểu đi xa lặn sâu như bây giờ. Sau đó nghề lặn phát triển thu hút nhiều đàn ông, thanh niên trai tráng tham gia, lúc đầu chỉ vài mươi người, sau lan rộng toàn xã" - ông Trà Văn Hải, nhớ lại.
Ninh Vân có hơn 350 hộ dân và có đến 80% số hộ dân ở xã sống bằng nghề lặn biển, điều này cho thấy nghề lặn có "chỗ đứng" khá vững trong cuộc sống của người dân Ninh Vân. Từ khi nghề lặn biển ra đời và phát triển, Ninh Vân thay da đổi thịt thấy rõ, nhiều nhà cửa lúp xúp được thay bằng nhà ngói khang trang: "Nghề lặn giúp nhiều hộ dân ở Ninh Vân đổi đời nhưng cũng để lại nhiều di chứng nặng nề với nhiều người dân chết thảm hoặc bị tật nguyền do những tai biến trong nghề" - ông Trà Văn Hải, trầm giọng.
Theo hướng dẫn của lãnh đạo xã Ninh Vân, chúng tôi ghé thăm một vài gia đình có người thân thiệt mạng vì tai ương, bất trắc trong nghề lặn. Tại thôn Đông, chiều nay cũng như biết bao buổi chiều buồn khác, bà Nguyễn Thị Thìn, 63 tuổi lại tần ngần ngồi trước hiên ngóng đợi con về.
Con trai bà là Nguyễn Quang Thành (SN 1972) chuyên lặn ở những vùng biển xa. 6 năm trước, vào một buổi chiều tháng 5, bà Thìn sững sờ khi nhận được hung tin từ bạn biển rằng vì lặn quá sâu, Thành đứt hơi, trào máu mà chết.
Con mất đã lâu nhưng bà Thìn không muốn tin đó là sự thật. Theo quán tính, hay vì nỗi thương nhớ con da diết, mà cũng có thể vì cả thảy những điều ấy mà chiều chiều, hôm nào khỏe thì bà hoặc ngồi trước hiên, hoặc ra trước biển hóng tin con: "Bạn biển nói hắn lặn sâu quá, lặn đến gần độ sâu 20m, do bị sức ép của nước mà chết" - bà Thìn rấm rứt.
Bà Thìn cho biết trước đây đàn ông thanh niên ở Ninh Vân, trong đó có con bà chỉ lặn ven bờ. Sau thấy kiếm ăn được, nhiều người cùng lặn nên cá tôm vơi dần, cứ thế dân lặn đi xa hơn, lặn sâu hơn: "Bọn hắn đi lặn ở khắp mọi nơi, như thằng Thành lặn ở khắp vùng biển Khánh Hòa, sau đó theo bạn đi lặn ở Phan Thiết, Phú Quốc, ở giàn khoan Vũng Tàu…
Ở trên mặt biển, sóng to gió lớn luôn đe dọa sinh mạng của người trên tàu, nói chi ở dưới biển đủ thứ bất trắc. Do đứt bình hơi, do sức ép của nước, do trúng luồng nước độc, do bị cá dữ tấn công, cái chết lúc nào cũng chực chờ".
Cách nhà bà Thìn vài mươi bước chân, đã nhiều năm qua, bà Phan Thị Xuyến, 56 tuổi vẫn đêm đêm lặng khóc, lòng thương nhớ khôn nguôi bóng hình của người chồng đoản mệnh là ông Nguyễn Tê. Năm ấy, khi được vợ tiễn ra đến tận cầu tàu, ông Tê hứa sau chuyến lặn biển dài ngày sẽ dứt nghề, chuyển sang nghề cá ven bờ cho đỡ vất vả, nguy nan.
Chồng đi được 3 ngày, ngày thứ 4, thế giới trong bà Xuyến sầm tối khi nỗi lo sợ đến khiếp đảm vẫn thường ám ảnh bà cứ mỗi lần chồng ra khơi: bạn biển gọi về báo ông Tê tử nạn! Chồng mất, trụ cột gia đình vĩnh viễn không còn nữa, từ đây bà Xuyến thay chồng gồng gánh nuôi đàn con 5 đứa đang tuổi ăn tuổi lớn.
Vừa làm mẹ, vừa làm cha, thân cò lại phải đảm đương quá nhiều trọng trách không làm bà Xuyến nặng lòng bằng câu hỏi của những đứa con lúc còn thơ dại: "Ba đâu rồi má".
Nghề lặn mang đến cơm ăn áo mặc, làm đổi thay một vùng quê nghèo xa xôi, cách trở, tứ bề chỉ là đồi núi khô cằn và biển xanh thăm thẳm, như Ninh Vân. Nhưng nghề lặn cũng đã tước đi rất nhiều sinh mạng, hủy hoại sức trai, sức trẻ của nhiều người đàn ông, khiến nhiều người vợ trở thành góa phụ, nhiều đứa trẻ mồ côi cha…
Ngoài câu chuyện buồn của bà Thìn, bà Xuyến, Ninh Vân còn nhiều bi kịch nạn nhân của nghề lặn với chuyện chết chóc, tàn phế thường trực ở nhiều gia đình, mà con số theo ông Nguyễn Bá Trọng, cán bộ văn phòng xã thì… đếm không xuể.
Nhắc chuyện sinh nghề tử nghiệp, ông Trọng ví von nghề lặn biển là canh bạc máu bởi cái giá mà người thợ lặn phải trả trong cái xui cái rủi của nghề này là cái chết thảm và di chứng tê liệt kéo dài đến cả phần đời còn lại của những người thợ lặn.
"Mà đâu chỉ có người thợ lặn phải trả giá cho canh bạc tàn khốc kia, những người thân của họ, những người vợ người mẹ, những đứa con cũng chịu cảnh vạ lây!" - ông Trọng, trĩu giọng.
Bà Thìn và bà Xuyến ngậm ngùi khi nhắc đến nỗi đau mất mát chồng, con.
3. Trong tiếng sóng xô phận người, có nỗi đau nào bằng nỗi đau của những người vợ, người mẹ ngày tiễn chồng con rời bãi bờ rạng rỡ nụ cười nhưng ngày về, đón thân xác của người thân yêu đông cứng trong khoang lạnh. Nước sâu nước lạnh và biết bao bất trắc dưới lòng biển không chỉ cướp đi người thân, trụ cột gia đình mà còn khứa vào lòng những tấm thân gầy, tả tơi nỗi đau mất mát, đoạn lìa chẳng biết đến bao giờ… nguôi ngoai!
"Còn gì nữa biển ơi!" - trong bóng xế chiều tà, bà Mại, một người vợ - người mẹ có chồng là người thiên cổ vì nghề lặn biển thẫn thờ thốt câu nói ấy với ánh mắt đỏ hoe. Lúc này, nơi khóe mắt nhăn nheo của bà, dòng nước trắng đục chảy dài trên đôi má teo tóp! Ngoài nỗi đau như vết thương chẳng thể nào khép miệng trong tâm can của những người vợ, người mẹ như bà Mại, còn gì nữa biển ơi…!
Khi biển cướp đi người chồng, người con là trụ cột của gia đình và ném những người vợ, người mẹ vào canh bạc mưu sinh. Quàng vai gánh vác cái tổ ấm cơ hàn, cứ thế những người mẹ, người vợ của những người thợ lặn như bà Thìn, bà Xuyến, bà Mại… lầm lũi cái tổ ấm thiếu bàn tay đàn ông lê bước suốt một chặng đường dài với những nỗi đau lớn dần theo năm tháng.
Một ngày nào đó, nếu có dịp đến Ninh Vân, nếu có dịp thưởng thức những sản vật nơi đây như hải sâm, nhum biển, bào ngư…, bạn đừng quên câu chuyện hôm nay, câu chuyện đến đắng lòng về thân phận của những người phụ nữ là vợ, là mẹ của những người thợ lặn hoặc chết hoặc bán thân bất toại, liệt toàn thân vì canh bạc máu dưới lòng biển sâu.
Bạn cũng đừng quên rằng canh bạc ấy nghiệt ngã lắm, nghiệt ngã đến ác nhơn, đến nỗi vợ chồng đoạn lìa, phu thê xa cách, và những đứa trẻ, rất nhiều đứa trẻ… sẽ lớn lên cùng năm tháng với nỗi day dứt… ba đâu?