Cấp chứng thư cho thủy sản XK theo Cơ chế một cửa: Chưa hơn lối cũ
Thủ tục “Cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản XK sản xuất tại cơ sở nằm trong Danh sách ưu tiên” và thủ tục “Kiểm tra, cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản XK sản xuất tại cơ sở nằm ngoài Danh sách ưu tiên” chính thức được áp dụng thí điểm theo Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW) từ ngày 1-4, song đến nay không ít DN đánh giá việc triển khai còn nhiều bất cập, chưa thực sự đem lại lợi ích như mong đợi.
Cấp chứng thư vẫn là 1-2 ngày
Công ty CP Chế biến thủy sản Út Xi chuyên XK mặt hàng tôm thẻ chân trắng sang thị trường Trung Quốc. Tương ứng với số lô hàng XK, trung bình mỗi tháng, Công ty phải xin cấp khoảng 15-20 chứng thư. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Nguyễn Thị Thúy Huỳnh, nhân viên kinh doanh của DN này cho biết: Ngay từ thời điểm 1-4, Công ty đã bắt đầu triển khai việc xin cấp chứng thư theo NSW. Thời gian qua, tổng số lượng chứng thư DN được cấp qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia khoảng hơn 10 chứng thư.
“Thời gian đầu, việc cấp chứng thư theo NSW gặp rất nhiều trục trặc, lỗi hệ thống. Thậm chí, do lỗi quá nhiều nên ngày 1-4 bắt đầu thí điểm thì tới ngày 25-4 đã phải tạm ngừng để khắc phục. Ở thời điểm hiện tại, tình hình đã có cải thiện hơn. DN đã dần quen với cách làm mới. Tuy nhiên, so với cách làm truyền thống trước đây, việc áp dụng NSW chưa thực sự tạo ra sự khác biệt lớn, nổi bật bởi tổng thời gian từ khi DN nộp hồ sơ cho tới khi DN được cấp chứng thư cũng đều ở trong khoảng 1-2 ngày”, bà Huỳnh nói.
Liên quan tới vấn đề này, bà Thái Kim Đào, nhân viên Phòng Quản lý chất lượng, Công ty TNHH Chế biến thủy sản và XNK Trang Khanh (DN chuyên XK mặt hàng tôm thẻ chân trắng, tôm sú sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc) cho biết thêm: Với cách làm truyền thống, khi cần cấp chứng thư DN chỉ cần chuyển hồ sơ qua email tới Trung tâm chất lượng lượng Nông lâm thủy sản vùng 5 (Nafiqad 5) và hồ sơ được giải quyết ngay sau đó khoảng 2 giờ. Khi đã có chứng thư, DN cũng không cần trực tiếp đi lấy mà Nafiqad 5 sẽ gửi chứng thư theo đường chuyển phát nhanh để ngày hôm sau DN nhận được. Quy trình này DN đã quen thuộc và cũng không gặp vướng mắc gì. Trước đây, Công ty Trang Khanh là DN thuộc diện không ưu tiên, vẫn thường xuyên phải kiểm tra thực tế hàng hóa khi xin cấp chứng thư XK. Do vậy, khi chuyển sang cách làm mới theo NSW, sau khi gửi hồ sơ đi, hồ sơ được xử lý ở bộ phận tiếp nhận, kiểm nghiệm lấy mẫu rồi mới chuyển sang bộ phận cấp chứng thư. Tuy nhiên, khi hồ sơ tới bộ phận cấp chứng thư, DN lại không thể mở ra để khai thông tin đầy đủ, hoàn thiện quá trình cấp chứng thư. Vì yêu cầu công việc, khi áp dụng NSW thất bại, DN đã quay trở về cách làm cũ. “Hiện nay, DN đã nằm trong danh sách DN được ưu tiên nên sắp tới khi có lô hàng XK mới, Công ty sẽ tiếp tục thử áp dụng theo NSW, hy vọng mọi việc suôn sẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho DN hơn so với cách xin cấp chứng thư truyền thống”, bà Đào nói.
Phần mềm chưa hợp lý
Theo đại diện một số DN đã tham gia tập huấn và cũng đang triển khai thủ tục xin cấp chứng thư theo NSW, bất cập nổi cộm hiện nay chính là phần mềm được thiết kế chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế của DN. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc trong quá trình khai báo hồ sơ trên hệ thống Cổng thông tin một cửa Quốc gia, DN hay gặp phải vướng mắc như nhiều khi DN gửi hồ sơ chờ lâu mà không thấy hồ sơ được xử lý, khi đi hỏi mới biết cơ quan chức năng chưa nhận được hồ sơ đã khai hoặc DN không tải được chữ ký số khi khai báo hồ sơ…
Về vấn đề này, bà Đào đưa ra dẫn chứng cụ thể hơn: Trong khi khai báo hồ sơ xin cấp chứng thư, một trong những nội dung cần thiết là khai báo cảng đi, cảng đến của hàng hóa. Tuy nhiên, bất cập là, danh sách các cảng được thiết kế sẵn trong hệ thống lại không đầy đủ. Ví dụ, DN thường xuyên XK hàng từ cảng TP.HCM, song vì trong danh sách cảng không có cảng TP.HCM nên DN lại phải lựa chọn khai báo tạm sang những cảng lân cận như cảng Cát Lái. Tương tự, cảng đến của hàng hóa là cảng Incheon (Hàn Quốc) mà danh sách cũng thiếu vắng nên DN đành làm theo cách tương tự như khai báo với cảng xuất đi là lựa chọn một cảng lân cận cảng Incheon để khai vào. “Thông tin về cảng đi, cảng đến không chính xác, nhiều trường hợp khách hàng không chấp nhận, gây rắc rối cho DN”, bà Đào nói.
Theo lập luận của các DN, sở dĩ phần mềm chưa đáp ứng yêu cầu là bởi đơn vị thiết kế phần mềm chưa thực sự hiểu quy trình công việc cụ thể của việc xin cấp chứng thư cho hàng thủy sản XK. Đến thời điểm hiện tại, dù việc áp dụng thủ tục xin cấp chứng thư theo NSW đã có những bước tiến triển đáng kể so với thời gian đầu, song vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Các DN mong muốn trước mắt, những vướng mắc sẽ được sớm tháo gỡ. Còn nếu có thể, đơn vị thiết kế phần mềm cũng như cơ quan chức năng liên quan nên tổ chức thêm buổi gặp mặt, trao đổi trực tiếp với các DN có nhu cầu làm thủ tục để tiếp thu ý kiến DN, hoàn thiện thêm phần mềm và tổ chức tập huấn lại cho DN.