TIN THỦY SẢN

Chất lượng nước một số vùng nuôi chưa đảm bảo

Chất lượng nước một số vùng nuôi chưa đảm bảo

Đầu tháng 8/2017, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT) đã lấy mẫu nước tại một số vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm. Kết quả, một số vùng nuôi có hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, có khả năng tảo phát triển mạnh trở lại gây nguy cơ thiếu ôxy cục bộ, người nuôi cần tăng cường theo dõi và chăm sóc vật nuôi.

Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, hiện các vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu như Lệ Uyên - Xuân Yên có hàm lượng DO (lượng ôxy hòa tan trong nước) thấp dưới ngưỡng cho phép (4,8mgO2/l).

Một số vùng nuôi khác, hàm lượng DO có cải thiện hơn so với những đợt quan trắc trước nhưng vẫn thấp. Hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Phú Dương - Xuân Thịnh (1.010 CFU/ml). Các hộ nuôi nên di dời lồng đến vùng có độ sâu hơn, nơi có dòng chảy, tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ không để hàu, hà… bám vào lồng, đồng thời nâng lồng lên ở mức độ vừa phải. Hiện nay các ao nuôi ốc hương đã thu hoạch và cải tạo thả mới, các hộ nuôi này không hút xả thải vào vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông vì nguy cơ làm bồi lấp các vịnh, đầm và làm ô nhiễm vùng nuôi cho các đối tượng nuôi khác. Còn tại khu vực chợ Xuân Thịnh, nơi tập kết và phân phối thức ăn cho tôm hùm ven bờ thôn Phú Dương có nguy cơ ô nhiễm nặng do các chủ vựa thu mua thức ăn đã tập kết các bao bì chứa thức ăn mang xuống giặt tại bãi làm cho vùng này bị ô nhiễm, nước chuyển sang màu đen.

Các vùng nuôi tôm thẻ ở huyện Đông Hòa như Vũng Tàu - Hòa Hiệp Nam, Phước Long, Phước Giang - Hòa Tâm, cầu Ông Đại - Hòa Xuân Đông có hàm lượng NH3 (amoniac) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Hệ thống nước ngầm vùng này đang có nguy cơ ô nhiễm, người nuôi tôm cần tăng cường sục khí cho ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, cấy men vi sinh định kỳ 1 lần/tuần để ổn định pH (không để pH vượt quá ngưỡng 8,5 sẽ làm tăng tính độc của NH3). Định kỳ siphon loại bỏ chất hữu cơ trong ao nhằm giảm hàm lượng NH3 ở đáy ao. Tại các vùng nuôi Phước Long, Phước Giang có hàm lượng NO2 (nitơ điôxit) vượt ngưỡng giới hạn cho phép nên có nguy cơ bị ô nhiễm. Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra định kỳ chất lượng nước trong ao, cần xử lý lượng thức ăn thừa, phân tôm và xác phiêu sinh vật.

Tại các vùng nuôi ở huyện Tuy An như Tân Long - An Cư, Mỹ Phú - An Hiệp và ở huyện Đông Hòa như Bãi Ngọn, Vũng Tàu - Hòa Hiệp Nam, Phước Long có hàm lượng PO4 (photphat) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Nguồn nước cấp tại khu vực này có nguy cơ phú dưỡng hóa ở thủy vực và sự phát triển của các loài tảo, vi tảo trong thời gian đến là rất cao, cần xử lý nước định kỳ nhằm giảm hàm lượng PO4 dưới ngưỡng cho phép. Các hộ nuôi cần kiểm tra các thông số môi trường định kỳ, không để các thông số môi trường dao động lớn nhằm giúp cho tôm nuôi tránh bị stress. Tại vùng nuôi Phước Giang có hàm lượng H2S (hydrosulfua) vượt ngưỡng giới hạn cho phép. H2S càng độc hơn khi pH hạ thấp, nhưng dễ bay hơi nên người nuôi cần tăng cường sục khí và cung cấp ôxy cho đáy ao để loại trừ H2S.

Tại các vùng nuôi Tuần Nhã, Phú Lương, Tân Long, Mỹ Phú, Vũng Tàu, Phước Long, Phước Giang, cầu Ông Đại và vùng nuôi cá mú xã An Ninh Đông có hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp dưới ngưỡng giới hạn cho phép. Các vùng nuôi này tồn đọng nhiều chất hữu cơ, trầm tích khá cao, người nuôi cần quản lý tốt lượng thức ăn, không để thức ăn dư thừa. Tại các vùng nuôi Tuần Nhã, Phú Lương, cửa An Hải, Mỹ Phú, Bãi Ngọn, Vũng Tàu, Phước Long, Phước Giang và vùng nuôi cá mú xã An Ninh Đông có hàm lượng vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Người nuôi cần bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi, tăng cường trộn vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, cá để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, cho biết: Trung tâm đã có khuyến cáo đến bà con tại các vùng nuôi tôm nước lợ khi sử dụng vi sinh dạng bột thì cần phải cho vào xô sục khí 12-24 giờ để chủng vi sinh thích nghi với môi trường và phát triển ở mật độ thích hợp sau đó đưa xuống ao mới có hiệu quả. Không sử dụng vi sinh dạng bột đánh trực tiếp xuống ao hiệu quả sẽ không cao. Hiện nay hàm lượng ôxy hòa tan trong nước tại các vùng nuôi tôm hùm vẫn còn ở mức thấp, có khả năng tảo phát triển mạnh trở lại gây nguy cơ thiếu ôxy cục bộ, người nuôi tôm hùm phải thường xuyên lặn kiểm tra, có giải pháp thay đổi độ sâu lồng kịp thời.

Báo Phú Yên