TIN THỦY SẢN

Chất lượng tôm giống: Loay hoay tìm giải pháp quản lý

Lực lượng thanh tra chuyên ngành Sở NN&PTNT kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại Công ty tôm giống Việt - Úc (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.T.C Tấn Đạt

Đứng trước báo động đỏ về dịch bệnh trên tôm, ngành Nông nghiệp từ Trung ương đến cơ sở đã đề ra nhiều giải pháp để loại trừ tôm giống kém chất lượng. Song, có lẽ còn rất lâu mới thực hiện được, bởi cơ chế quản lý từ khâu sản xuất, lưu hành cho đến thả nuôi còn quá nhiều kẽ hở, bất cập.

QUẢN LÝ TÔM GIỐNG: NHIỀU RỐI RẮM

Có nhiều nguyên nhân khiến cho tôm nuôi bị chết, nhưng người ta thường đổ thừa do tôm giống. Bởi lẽ, tôm giống quyết định 50% thành bại của nghề nuôi tôm. Mặc dù biết tôm giống có vai trò rất quan trọng trong nghề nuôi tôm, nhưng đến nay, công tác quản lý vẫn còn quá nhiều rối rắm.

Tại hội nghị quản lý chất lượng tôm giống do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Bạc Liêu vào đầu tháng 11/2012, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Bộ NN&PTNT cho phép các doanh nghiệp tự tạo đàn bố mẹ tôm thẻ chân trắng phục vụ việc sản xuất tôm giống. Còn nếu sản xuất tôm bố mẹ để bán thì phải chờ quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Bộ.

Tổng cục Thủy sản cho rằng, nếu cơ sở tôm giống tự tạo được đàn tôm bố mẹ thì giá thành sản xuất giống sẽ giảm và giá tôm giống cũng giảm mạnh. Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh ở tôm bố mẹ cũng dễ dàng hơn.
Nghề nuôi thủy sản đã có hàng chục năm nay, nhưng công tác quản lý sản xuất, chất lượng, lưu hành… tôm giống từ trước đến nay hầu hết dựa vào văn bản mang tính “chữa cháy”. Nhiều kẽ hở trong quản lý dẫn tới tôm giống có hàng chục kiểu chất lượng khác nhau.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, ở Bạc Liêu có 394 cơ sở sản xuất và ương tôm giống để bán. Tuy nhiên, số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%; 80% còn lại xếp vào dạng công nghệ “bèo”, tạo ra tôm giống đủ kiểu chất lượng. Thậm chí, có cơ sở gọi là công ty tôm giống nhưng không hề sản xuất giống, mà vẫn có tôm giống để bán. Họ đi thu mua tôm giống khắp nơi, sau đó đóng thùng (với nhiều thương hiệu khác nhau) để bán cho người nuôi tôm.

Tại hội nghị cấp khu vực bàn về quản lý chất lượng tôm giống vừa diễn ra tại Bạc Liêu, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, khẳng định: “Do quy định thiếu chặt chẽ nên việc tiêu hủy tôm giống và tôm bố mẹ bị bệnh trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Điều này gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm cũng như những công ty tôm giống làm ăn chân chính”.

Bên cạnh tôm giống, chưa có một quy định nào cho phép kiểm dịch tôm sú bố mẹ tại các trại sản xuất giống. Trong khi tôm bố mẹ (cả tôm sú và thẻ chân trắng) - nguồn lây bệnh chính cho tôm giống - được nhập từ nhiều nguồn khác nhau (có cả trong nước và nhập khẩu). Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Tôm chân trắng bố mẹ hiện nay nhập khẩu 100% từ nhiều nơi trên thế giới, chất lượng có lô tốt lô xấu. Không ai biết được nguồn gốc từ dòng tôm nào. Cũng không ai biết có phải là tôm chọn giống nguồn gốc Hawaii (Mỹ) hay tôm vớt từ đầm nuôi của họ. Chỉ khi người nuôi phản ánh mới biết tôm bố mẹ kém chất lượng”. Theo cơ quan này, một trong những nguyên nhân làm tôm bị hoại tử gan tụy là do một số dòng tôm được chọn giống theo hướng tăng khả năng sinh trưởng, từ đó, làm tôm giảm khả năng thích ứng. Vì vậy, khi bị sốc môi trường hoặc có tác nhân gây bệnh, tôm sẽ chết hàng loạt.

Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay Bạc Liêu chưa có cơ sở nào sản xuất được tôm giống càng xanh. Phần lớn số tôm nhập tỉnh hoặc nhập khẩu đều né tránh kiểm dịch nên rất khó kiểm soát chất lượng. Trong khi đó, tôm giống nhập tỉnh không trình trạm để kiểm dịch thì cũng không có chế tài xử lý. Từ thực tế này, nhiều ý kiến gởi Bộ NN&PTNT đề nghị đưa việc quản lý chất lượng tôm giống vào quỹ đạo của Nhà nước.

CẦN NÂNG CAO TAY NGHỀ NUÔI TÔM

Nông dân nuôi tôm Nguyễn Phú Lộc (ấp 7, xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai) than phiền: “Đã đến lúc cần phải xem lại công tác kiểm dịch tôm giống. Bởi, tôm đã kiểm dịch nhưng vẫn bệnh và chết. Trong khi cua và cá… không hề kiểm dịch nhưng nó vẫn sống mạnh khỏe”. Theo ông Lộc, công tác kiểm dịch hiện nay còn mang nặng về hình thức (không đủ khả năng phát hiện các bệnh nguy hiểm). Do đó, đề nghị cơ quan chức năng thay đổi công nghệ kiểm dịch hoặc tốt nhất là nên hướng dẫn người nuôi kỹ năng nhận biết mầm bệnh để họ tự xử lý, bớt tốn tiền thuê kiểm dịch.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp cũng như các công ty giống cũng đề nghị, trong lúc thời tiết thay đổi quá nhiều, đã đến lúc người nuôi tôm phải cải tiến, nâng cao tay nghề nuôi tôm. Tay nghề cao thì nuôi tôm trúng nhiều hơn thất. Ông Tạ Minh Phú, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh, khẳng định: “Mọi rủi ro gây ra cho tôm không thể đổ hết cho tôm giống mà còn lệ thuộc vào kỹ thuật cải tạo ao nuôi, vấn đề kiểm soát môi trường, quản lý vùng nuôi và quản lý thức ăn, thuốc thú y thủy sản… Các yếu tố này nếu được làm tốt thì chắc chắn tôm nuôi sẽ tốt”.

Ngoài ra, nhiều nông dân cũng kiến nghị, khi ban hành lịch thời vụ nuôi tôm, ngành Nông nghiệp nên tính làm sao cho dân trúng giá thì dân mới giàu. Còn nếu chỉ có trúng tôm mà giá rớt thê thảm thì người dân không nên nuôi tôm.

Tấn Đạt báo Bạc Liêu, 17/11/2012