Chi tiết nội dung hoạt động của PPP trong lĩnh vực thủy sản
Hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực thủy sản chính thức được ký kết ngày 9/9/2015, đánh dấu sự nỗ lực của các bên tham gia đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững và có trách nhiệm. Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động được đưa ra trong nội dung ký kết, sáng 25/9/2015, dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, các bên tham gia đã có cuộc họp để bàn chi tiết các nội dung hoạt động trong thời gian tới.
Cuộc họp có sự tham gia của các đại diện: Tổng cục Thủy sản, Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), Tổ chức Sáng kiến Bền vững Thương mại (IDH), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam).
Đại diện của GIZ cho biết, Tổ chức này đã đề ra các nội dung hoạt động cụ thể: rà soát các chính sách, chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam để đề xuất những hướng đi đúng nhằm phát triển thủy sản bền vững. Bên cạnh đó, GIZ tiếp tục mở rộng nội dung trong các Đối thoại bàn tròn (vốn là sáng kiến do GIZ đưa ra trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản), hàng năm đưa ra các chủ đề ưu tiên nhằm bàn các vấn đề sát thực, cần thiết đối với ngành thủy sản. Đồng thời, GIZ sẽ có những hoạt động hỗ trợ một phần trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản. Đặc biệt GIZ quan tâm đến hỗ trợ mô hình nuôi tôm rừng, các vấn đề liên quan đến rừng ngập mặn, chú trọng vào hỗ trợ các mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến. Tổ chức này cũng có dự kiến rà soát lại các kế hoạch phát triển ngành, các vấn đề về quy hoạch, về sử dụng đất trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều hoạt động tại địa phương cũng được quan tâm như hỗ trợ mô hình nuôi tôm- sò huyết ở Kiên Giang, tăng cường năng lực cho ngư dân ven biển có hoạt động nuôi thủy sản ven rừng ở Bạc Liêu. Đối với cấp trung ương, GIZ quan tâm hỗ trợ mô hình đồng quản lý trong rừng ngập mặn.
Về phía IDH, đơn vị này đặc biệt quan tâm đến các hoạt động có sự tham gia từ phía các doanh nghiệp. Theo ông Flavio, Giám đốc IDH, mỗi hoạt động hỗ trợ, xúc tiến ngành thủy sản có sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức này sẽ hỗ trợ 60% kinh phí, phía doanh nghiệp đóng góp 40%. Theo đó, trong nội dung PPP, IDH sẽ tập trung vào hai nội dung: nghiên cứu phát triển bền vững thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu và áp dụng mô hình dịch tễ học góp phần giảm thiểu thiệt hại về dịch bệnh gây ra trong nuôi trồng thủy sản. IDH có kế hoạch xây dựng hai nội dung này có sự tham gia mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, người nông dân và phát triển thành một hệ thống bền vững.
Khác với các nội dung hoạt động của GIZ và IDH, WWF Việt Nam lại quan tâm và tập trung đến các vấn đề cụ thể hơn: Hỗ trợ nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, ghẹ xanh ở Kiên Giang đạt được các chứng nhận mà quốc tế đưa ra. Hỗ trợ tăng cường năng lực, phát triển khung quản lý đối với việc đánh bắt cá mập. Bám sát chương trình quốc gia về bảo vệ rùa biển. Bên cạnh đó, WWF cũng tiếp nhận sự hỗ trợ của tổ chức DANIDA (Đan Mạch) để giúp người nông dân Việt Nam trong hoạt động nuôi cá tra bền vững. Ngoài ra, WWF cũng sẽ tham gia vào hoạt động rà soát quy hoạch, chính sách phát triển, tập trung vào các sản phẩm có trách nhiệm, hỗ trợ người nuôi đạt chứng nhận MSC cho nghề nuôi ngao…
Tại cuộc họp, đại diện các bên cũng đề cập về các vấn đề khác như vấn đề sử dụng cá tạp trong chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản, vấn đề xâm nhập nước mặn và biến đổi khí hậu, hay việc phát triển mô hình nuôi tôm lúa hiện đã đạt hiệu quả cao cần có chứng chỉ. Đặc biệt, các đại biểu cùng thống nhất việc mở rộng nội dung Đối thoại bàn tròn không chỉ dừng lại ở các vấn đề nuôi trồng thủy sản mà còn tập trung cả lĩnh vực khai thác, hoặc các lĩnh vực khác thuộc ngành thủy sản. Vấn đề tiếp nhận các thành viên mới muốn tham gia vào PPP cũng được đưa ra thảo luận. Theo đó, các thành viên mới luôn được chào đón và phải có những hoạt động cụ thể, thiết thực khi tham gia, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu mà các bên đã cùng thông qua trước đó.
Đại diện Tổng cục Thủy sản, Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn đã thống nhất các nội dung: Đối thoại bàn tròn PPP sẽ được tổ chức hàng năm, số lượng các cuộc đối thoại sẽ tùy thuộc vào các chủ đề phát sinh. Tổng cục Thủy sản sẽ tích cực phối hợp với WWF trong hoạt động bảo tồn và tái tạo nguồn lợi, trước mắt là hoạt động bảo vệ rùa biển. Các bên sẽ tích cực hỗ trợ các chứng nhận VietGAP, ASC, kết nối mở rộng thị trường, xây dựng hình ảnh đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng cũng lưu ý, với Hội chợ Brussel được tổ chức hàng năm, phía Việt Nam sẽ không chỉ tham gia với tư cách khách mời, mà sẽ tổ chức diễn đàn tại đó.