Chỉ vì Ethoxyquin!
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng qua đạt gần 4 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu ở một số thị trường chủ lực lại đang sụt giảm, nhất là thị trường truyền thống Nhật Bản.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, giữa tháng 5 vừa qua, khi cơ quan thẩm quyền Nhật Bản quyết định áp dụng chế độ kiểm tra 30% số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Nhật Bản về chỉ tiêu Ethoxyquin ở mức 0,01ppm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã giảm đáng kể. Thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm tháng 8-2012 sang Nhật Bản giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vẫn phát hiện Ethoxyquin trong tôm xuất khẩu của Việt Nam, ngày 31-8 vừa qua, cơ quan thẩm quyền nước này đã quyết định tiến hành kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin. Nếu không sớm tháo gỡ rào cản Ethoxyquin, xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ tiếp tục giảm mạnh và nguy cơ mất thị trường Nhật Bản đang hiện hữu trước mắt.
Hàm lượng Ethoxyquin trong số bột cá và bột đạm nhập khẩu từ Peru và Nhật Bản từ 200 - 600 ppm trong nước còn nhiều. Như vậy, nguy cơ tồn dư hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm là khó tránh khỏi. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã khẩn thiết đề nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo khẩn cấp để cứu vãn thị trường này và đề nghị Tổng cục tiếp tục các biện pháp ngoại giao, tìm chất thay thế Ethoxyquin. Tổng cục Thủy sản cần có biện pháp nhanh chóng và cấp thiết về việc quy định hàm lượng tối đa cho phép chất Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm ở mức 0,5 ppm thay cho mức 150 ppm như hiện nay. Đây là ngưỡng tối đa trong thức ăn đã được một số đơn vị nghiên cứu khẳng định là không phát hiện được chất Ethoxyquin trong thành phẩm tôm nuôi.
Về mặt ngoại giao, để có thể thuyết phục được Nhật Bản thay đổi quyết định của họ đối với Ethoxyquin thông qua đàm phán, Việt Nam phải căn cứ trên những nỗ lực cải thiện tình hình sản xuất trong nước. Với quy định về hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm ở mức thấp và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất và xuất khẩu tôm, Việt Nam sẽ có cơ sở hơn trong đàm phám với Nhật Bản để đề nghị họ tăng mức dư lượng Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam.
Về sản xuất, theo kinh nghiệm của một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm tại Bến Tre, trước khi thu hoạch tôm 5 ngày, nên nghỉ cho tôm ăn một ngày và trong 4 ngày sau đó cho ăn thức ăn với hàm lượng Ethoxyquin ở mức 0,05 ppm thì tôm nguyên liệu sẽ không có tồn dư chất này. Trước tình hình trên, VASEP đề xuất Bộ NN-PTNT có văn bản khuyến cáo người nuôi tôm sử dụng các sản phẩm thức ăn nuôi tôm có chứa hàm lượng Ethoxyquin ở mức 0,05 ppm. Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài.
Từ vụ Ethoxyquin, rõ ràng các doanh nghiệp thủy sản phải đặc biệt chú ý đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. Lượng có thể giảm, nhưng chất cần phải tăng, đó là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp hội nhập.