TIN THỦY SẢN

Chiến lược kiểm soát bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm nuôi (P.2)

Tôm bị ảnh hưởng bởi AHPND có biểu hiện lờ đờ, giảm ăn, chậm lớn, đường tiêu hóa trống rỗng và gan tụy nhợt nhạt. Ảnh minh họa Lệ Thủy

Vi khuẩn gây bệnh AHPND chủ yếu tấn công vào tuyến tiêu hóa (gan tụy) và làm tổn thương các tế bào gan tụy dẫn đến rối loạn chức năng làm tôm chết hàng loạt. Tôm bị ảnh hưởng bởi AHPND có biểu hiện lờ đờ, giảm ăn, chậm lớn, đường tiêu hóa trống rỗng và gan tụy nhợt nhạt.

phần 1, chúng tôi đã giới thiệu chất kích thích miễn dịch có nguồn gốc từ thực vật và những vấn đề liên quan. Phần 2 với nội dung kiểm soát bệnh hoại tử gan tụy cấp tính bằng Công nghệ Biofloc và quản lý môi trường, ao nuôi sẽ giúp quý độc giả hiểu rõ tất cả chiến lược kiểm soát bệnh AHPND trên tôm nuôi.

Quản lý môi trường

Vi khuẩn thủy sản thường chịu tác động của sự dịch chuyển chất lỏng và thủy động lực học, được tạo ra bởi các yếu tố tự nhiên hoặc các hoạt động của con người như sử dụng máy sục khí và các thiết bị bơm. Các tế bào V. parahaemolyticus có khả năng tái tạo trong vòng chưa đầy mười phút, so với các loài Vibrio khác thì mất hơn một giờ. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào trong điều kiện môi trường có thể gây ra sự chuyển đổi kiểu hình ở V. parahaemolyticus. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng chủng vi khuẩn V. parahaemolyticus gây AHPND có hai dạng kiểu hình (độc lực và không độc lực) và điều kiện chuyển động của dòng nước khác nhau sẽ quyết định sự tồn tại của dạng kiểu hình đó.

Chính vì thế, việc thiết kế các phương pháp có thể gây ra sự chuyển đổi kiểu hình ở V. parahaemolyticus sẽ mở ra khả năng quản lý hiệu quả bệnh AHPND trong nuôi tôm mà không nhất thiết phải loại bỏ vi khuẩn gây AHPND khỏi hệ thống nuôi.

Công nghệ Biofloc

Nuôi tôm trong hệ thống biofloc có thể là một chiến lược thay thế đầy hứa hẹn để cải thiện điều kiện môi trường và tình trạng sức khỏe của động vật nuôi. Nguyên tắc cơ bản của hệ thống biofloc là tái chế các chất dinh dưỡng phế thải, đặc biệt là nitơ vô cơ từ thức ăn thừa và phân thành sinh khối vi sinh vật, có thể được sử dụng tại chỗ cho động vật nuôi hoặc được thu hoạch và chế biến thành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trên thực tế, các quá trình trao đổi chất và biến đổi sinh hóa diễn ra trực tiếp trong nước, giúp thúc đẩy sự cân bằng tổng thể của hệ thống và sức khỏe của tôm nuôi. 


 Sơ đồ tổng quan về vai trò có thể có của hệ thống biofloc đối với vật chủ, mầm bệnh và môi trường trong cơ sở nuôi tôm.

Hệ thống biofloc góp phần tăng cường chất lượng nước, cải thiện hiệu suất tăng trưởng và khả năng đề kháng của tôm thẻ chân trắng chống lại chủng V. parahaemolyticus AHPND làm cho nó trở thành một công nghệ nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ.

Quản lý ao nuôi

Các biện pháp quản lý như sử dụng chế phẩm sinh học, liệu pháp thực khuẩn, hợp chất có nguồn gốc thực vật đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn để kiểm soát sự bùng phát AHPND ở tôm. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều dựa trên các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và vẫn cần xác nhận thêm về liều lượng, cách sử dụng và các yếu tố nguy cơ để đảm bảo hiệu quả trong điều kiện thực tế tại trại nuôi tôm. Gần đây Putth và Polchana (2016) đã chứng minh rằng bằng cách áp dụng thực hành quản lý trang trại tốt hơn, người nuôi tôm có thể kiểm soát AHPND và tránh thiệt hại trong sản xuất. Nghiên cứu chỉ ra rằng các biện pháp trước khi thả và sau thả giống, bao gồm đánh giá và sàng lọc tình trạng sức khỏe của hậu ấu trùng, đánh giá chất lượng thức ăn và khử trùng nguyên liệu đầu vào (như nguồn nước cấp) là hiệu quả để kiểm soát AHPND trong các trang trại nuôi tôm.

Những chiến lược tiềm năng có thể kiểm soát bệnh AHPND trong nuôi tôm bao gồm bổ sung chất kích thích miễn dịch, prebiotics, probiotics, liệu pháp phage, duy trì chất lượng nước tối ưu, quản lý mật độ nuôi, chất lượng hậu ấu trùng, sục khí, chất lượng và số lượng thức ăn.

Nguồn: Vikash Kumar et al (2021). Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease (AHPND): Virulence, Pathogenesis and Mitigation Strategies in Shrimp Aquaculture, MDPI, 27/07/2021.

Lệ Thủy