TIN THỦY SẢN

Chính quyền làm gì khi trộm vuông tôm lộng hành?

Ông Nguyễn Văn Bén (Bảy Bén) chỉ dấu chân của kẻ trộm lội kéo tôm nuôi Trần Duy

Báo NNVN nhận đơn kiến nghị của hàng chục hộ trên địa bàn xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau) về việc trộm giăng lưới, rồi đổ thuốc trừ sâu xuống vuông nuôi để kéo trộm tôm, gây hoang mang cho người dân địa phương.

Theo nội dung đơn phản ánh, phần diện tích vuông nuôi bị ảnh hưởng khoảng gần 100 ha. Thiệt hại ước tính ban đầu trên 2 tỷ đồng. Sự việc xảy ra vào khoảng 1 tháng nay, khi đó, người dân địa phương đã có thông báo với Ban nhân dân ấp, rồi báo lên công an xã, UBND xã Lâm Hải để hỗ trợ điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, vụ mất trộm đến nay vẫn chưa xác định được kẻ trộm.

“Khi biết vuông mình mất trộm, tôi có đến báo cho chính quyền địa phương về thông tin vụ việc và chính quyền địa phương có báo về xã để nhờ cử lực lượng xuống xác minh, nắm tình hình. Tuy nhiên, phía xã Lâm Hải trả lời rằng, số tôm cá mất không xác định được là bao nhiêu nên không thể xuống làm biên bản được. Từ đó, gây bức xúc cho người dân địa phương”, anh Phan Thanh Pha, 34 tuổi, ngụ ấp Trường Đức – người bị thiệt hại gần 5 ha cho biết và nói thêm nhóm trộm rất tinh vi, tổ chức trộm vuông theo từng đoạn, mỗi đêm chúng trộm từ 3, 4 vuông tôm với tổng diện tích trên 10 ha.


Người dân địa phương bức xúc tập trung lại cung cấp thông tin cho báo chí

Ông Nguyễn Huy Nhưng, ngụ ấp Trường Đức – người bị thiệt hại hơn 7 ha cho rằng, nếu bị trộm đổ thuốc, thì vuông tôm bị thiệt hại hoàn toàn, ít nhất trong 6 tháng nữa người dân nơi đây sẽ không thu hoạch được gì. Từ đó, gây khó khăn về kinh tế gia đình.

“Nói chung, chính quyền địa phương làm ngơ, không quan tâm gì đến dân. Tiền quỹ Quốc phòng an ninh năm nào chúng tôi cũng đóng đầy đủ, nhưng đến khi xảy ra vụ việc thì chẳng thấy ai vào can thiệp”, ông Nhưng cho biết.

Theo người dân địa phương, loại hóa chất mà bọn trộm đổ xuống vuông tôm rất độc, làm cho các loài thủy sản dưới đáy ao chết trắng. “Con nào mà bọn trộm chưa bắt được thì nó nổi lên mặt nước. Ruốc (giống tôm đất nhưng nhỏ hơn), tôm tích (sống dưới hang) còn phải ngoi lên chết, nổi đầy mặt vuông. Nguồn nước thì trong vắt, nhìn đến tận đáy ao”, ông Nhưng thông tin thêm.


Phần diện tích vuông của người dân bị kẻ trộm đổ thuốc, kéo trộm tôm.

“Mới hai mươi mấy ngày mà bọn trộm đánh thuốc hàng chục hec-ta. Cứ tình trạng này kéo dài thì người dân chúng tôi sao sống được. Hiện đang bước vào vụ mùa thu hoạch, bình quân mỗi con nước, dân chúng tôi thu hoạch khoảng mười mấy, hai mươi triệu là bình thường. Nhưng hiện tại, chúng tôi mất trắng. Người nuôi tôm chỉ trông chờ vào mùa này để bắt, nhưng chưa bắt được bao nhiêu thì trộm đã vào thuốc chết sạch”, ông Vũ Văn Phượng, ngụ ấp Trường Đức, rầu rĩ.

Liên quan đến vấn đề người dân phản ánh, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Bắc, Chủ tịch UBND xã Lâm Hải và được ông cho biết: “Thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn xảy ra vụ mất trộm, tôi đã tiếp nhận. UBND xã có cử công an xã mời dân lên, đồng thời cũng cử cán bộ công an để đi xuống địa bàn tuần tra, kiểm soát, nhằm ngăn chặn các đối tượng trộm cắp”.

Ông Bắc cho rằng, không riêng gì ở ấp Trường Đức mà tại các ấp khác trên địa bàn xã cũng xảy ra nạn trộm tương tự. Việc xác định kẻ trộm có đổ thuốc xuống vuông hay không thì chuyên môn của ông không thể xác định được. “Do địa bàn xã Lâm Hải rộng, nhưng phương tiện đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Bên cạnh đó lực lượng công an của xã rất mỏng, 11 ấp nhưng hiện tại chỉ có 5 công an viên nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, người dân nêu cao ý thức chủ động bảo vệ tài sản là chính”, ông Bắc trần tình.

Để ngăn chặn tình trạng trộm tôm, ông Bắc đưa ra giải pháp, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo cho công an xã tăng cường xuống cơ sở để chỉ đạo công an các ấp đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, đảm bảo ANTT địa bàn. Vận động, tuyên truyền nhân dân đề cao cảnh giác bảo vệ tài sản của chính mình.

Trần Duy Báo Nông Nghiệp