Chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn cá lồng trong mùa mưa bão
Là một trong những hộ nuôi cá lồng có quy mô lớn ở xã Độc Lập (Hưng Hà), ngay từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão, gia đình anh Bùi Đức Học, thôn Đồng Phú đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng cá của gia đình.
Anh Học chia sẻ: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng, năm 2016 tôi đã mạnh dạn đầu tư 30 lồng nuôi cá với chi phí khoảng 45 triệu đồng/1 lồng, diện tích 54m2, nuôi các loại cá lăng, rô phi, diêu hồng, trắm, chép. Sau hơn 3 năm xây dựng mô hình, tôi thấy nuôi cá lồng có nhiều lợi thế như nuôi được nhiều loại cá ở mật độ cao, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu tháng 6, gia đình tôi đã mua thêm dây thừng, mỏ neo, các vật liệu khác để gia cố lồng, các thành ngăn giữa các lồng nuôi. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng chủ động thu hoạch những loại cá đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát. Từ đầu tháng 7 đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được khoảng 10 tấn cá thương phẩm với giá thành tương đối ổn định. Do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua mực nước sông Hồng dâng cao, rác từ thượng nguồn đổ về khá nhiều, mắc vào các lồng cá nên tôi phải thường xuyên dọn rác, vệ sinh lồng để tránh gây bệnh cho đàn cá.
Ông Bùi Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: Độc lập là địa phương có phong trào nuôi cá lồng phát triển nhất ở huyện Hưng Hà. Hiện nay, trên địa bàn xã có 5 hộ nuôi cá lồng với 54 lồng cá các loại. Mặc dù đây là mô hình mới phát triển ở địa phương nhưng cho hiệu quả kinh tế cao và khá ổn định. Để bảo đảm an toàn cho các lồng nuôi cá, trước mùa mưa bão hàng năm địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân di chuyển lồng nuôi cá vào những vị trí khuất gió, an toàn, tránh cản trở giao thông đường thủy. Thường xuyên kiểm tra, tu sửa lồng bè, vệ sinh, tẩy dọn lồng để bảo đảm nước lưu thông và môi trường trong sạch... Khi bão đổ bộ vào đất liền, địa phương cắt cử các lực lượng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở không để các chủ hộ ở lại trên bè nuôi cá. Đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị tốt về nhân lực, vật tư, phương tiện, phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 576 lồng nuôi cá trên sông, tập trung chủ yếu ở các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ... Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, các hộ nuôi cá lồng trên sông cần thường xuyên quan sát các dấu hiệu thiên nhiên, khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi lội chậm cần cung cấp ôxy bằng máy sục khí, thường xuyên vệ sinh lồng để luôn bảo đảm thông thoáng, cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cá tăng cường sức đề kháng. Vào thời gian có mưa bão, người nuôi cần giảm lượng thức ăn để tránh làm ô nhiễm môi trường nước dẫn đến thiếu ôxy, cá kém phát triển, thậm chí chết.
Để bảo đảm an toàn và phát triển nghề nuôi cá lồng lâu dài, người nuôi cá lồng nên lắp đặt hệ thống lồng nuôi có khung sắt không gỉ, phao nâng bằng thùng phuy nhựa. Các lồng cá phải được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì người nuôi có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt tác động của sóng, gió.
Ngoài ra, người nuôi cũng cần thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau mưa bão phải khẩn trương tiến hành kiểm tra chất lượng nước để có phương án điều chỉnh cho phù hợp...