Chưa khơi thông các cửa biển huyện Tuy An: Ngư dân gặp khó
Tháng 9/2014, UBND tỉnh cho phép huyện Tuy An thực hiện 3 dự án nạo vét đất, cát bồi lấp, thông luồng cảng cá Tiên Châu - lạch Vạn Củi, cửa biển Lễ Thịnh và An Hải. Theo kế hoạch, 3 dự án này được triển khai vào cuối năm 2014, nhưng đến nay chưa được thực hiện.
CHẬM KHƠI THÔNG CỬA BIỂN
Dự án Nạo vét đất, cát bồi lấp, thông luồng cảng cá Tiên Châu - lạch Vạn Củi, cửa biển Lễ Thịnh (thuộc xã An Ninh Đông, An Ninh Tây) và An Hải (xã An Hải) có tổng khối lượng cát cần nạo vét gần 1,2 triệu m3, mỗi dự án từ 375.000 đến 395.000m3 cát. Theo kế hoạch, 3 dự án này được triển khai từ cuối năm 2014, hoàn thành trong năm 2015 theo phương thức tự cân đối kinh phí qua việc tận thu nguồn cát. Các đơn vị thực hiện là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Tư vấn đầu tư Quốc Bảo (TP Hồ Chí Minh), Công ty cổ phần Đầu tư và Khai thác cảng Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Sài Gòn - Hà Nội. Khi hoàn thành, dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng, cửa biển an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Ngoài ra, dự án còn giúp tăng cường trao đổi nước giữa biển và đầm, vịnh, giảm thiểu ô nhiễm đầm Ô Loan; hạn chế xâm nhập mặn đất sản xuất nông nghiệp và góp phần thoát lũ.
Tại xã An Ninh Đông, nhiều năm qua, chiều rộng của cửa biển Lễ Thịnh được duy trì từ 40 đến hơn 50m. Khi thủy triều lên, mực nước cao khoảng 3m, thủy triều xuống còn hơn 1m, tàu thuyền công suất lớn ra vào khó khăn. Theo ông Nguyễn Tám ở thôn Lễ Thịnh, có thời điểm thủy triều xuống, mực nước chỉ còn 0,8m, tàu công suất từ 60CV trở lên không thể ra vào mà phải chờ đến chiều thủy triều lên. Muốn nạo vét khơi thông, Nhà nước phải đầu tư xây kè dọc hai bên cửa biển để bảo vệ khu dân cư và tránh tái bồi lấp. Còn ông Trần Đến (70 tuổi, cũng ở thôn Lễ Thịnh) thì cho hay, trước đây cửa biển Lễ Thịnh không có biến động lớn về chiều rộng và độ sâu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhu cầu đóng tàu công suất lớn của ngư dân ngày càng tăng, nên cửa biển hiện nay không đủ điều kiện đáp ứng. Muốn ra vào cửa biển trong điều kiện mực nước thấp, thuyền trưởng phải lấy đà, tăng ga cho tàu vượt cạn nhưng rất dễ gặp sự cố.
Ông Đến cũng cho biết thêm, nếu không xây kè kiên cố bảo vệ khu dân cư và chống tái bồi lấp thì người dân không đồng ý nạo vét cát khơi thông cửa biển Lễ Thịnh. Thực tế đã chứng minh, trước đây, vì sợ sóng biển, triều cường gây sạt lở, xâm thực bờ, người dân thôn Lễ Thịnh tự góp tiền xây kè bê tông dài hơn 400m bảo vệ khu dân cư. Qua thời gian dài chống chọi với sóng biển, đến nay đã có khoảng 200m kè bị đánh sập, nhiều đoạn khác bị nứt gãy và có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Nếu nạo vét cát mà không xây kè, sóng biển và triều cường sẽ tác động tiêu cực trực tiếp đến khu dân cư; đồng thời gây dậy bùn, ảnh hưởng đến gần 200 bè ương tôm hùm giống ngoài cửa biển.
CỬA HẸP LÀM ẢNH HƯỞNG NGUỒN NƯỚC NUÔI TÔM
Phú Yên có 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung là đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), đầm Ô Loan (huyện Tuy An) và hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) với tổng diện tích gần 2.430ha. Đến nay, toàn tỉnh đã thả giống thủy sản được 827ha, chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Do nắng nóng kéo dài kết hợp với không khí lạnh đột ngột dẫn đến môi trường các vùng nuôi bị biến động lớn, chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước, trong đó có đầm Ô Loan. Nhiều ngư dân thừa nhận, việc nuôi trồng thủy sản tự phát với mật độ dày mà không tuân thủ các yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường nước, khi gặp thời tiết nắng nóng, khô hạn…, thủy sản sẽ bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Vì vậy, ngoài việc thay đổi tư duy trong nuôi trồng thủy sản, địa phương cần khơi thông các cửa biển, tạo trao đổi nước giữa các đầm, vịnh với biển. Theo ông Nguyễn Đến, ngư dân thôn Lễ Thịnh, trước đây mật độ nuôi trồng thủy sản rất thưa thớt. Vài năm trở lại đây, mật độ nuôi tăng đột biến, trong khi cửa biển quá nhỏ, nên dù có áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật đến đâu, việc liên tục tái diễn ô nhiễm nguồn nước là điều khó tránh khỏi.
Thực tế cho thấy, qua lấy mẫu đợt 3 của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tại các vùng nuôi trong tỉnh cho thấy, bệnh trên tôm nước lợ xảy ra ở hầu hết các địa phương với tổng diện tích hơn 72ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng, gan tụy cáp và ký sinh trùng. Riêng huyện Tuy An có hơn 60 ha/385ha thả nuôi bị nhiễm bệnh, tập trung chủ yếu ở các xã An Ninh Tây, An Ninh Đông và An Cư. Nguyên nhân chính là do nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Hiện là thời điểm các hồ tôm cải tạo xong, chuẩn bị vụ nuôi mới, song ở nhiều vùng nuôi có tôm chết rải rác, ngư dân chưa mạnh dạn thả giống. Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản khuyến cáo, thức ăn cho tôm phải tươi và rửa sạch. Các chủ hồ khi cải tạo ao không nên xả thải ra hệ thống kênh cấp nước vì sẽ làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước đầm, vịnh. Hiện nay, ở các tỉnh phía Nam đang xuất hiện bệnh do ký sinh trùng Vermiform trong hệ thống đường ruột và gan tụy làm suy giảm hệ miễn dịch khiến tôm bỏ ăn, đường ruột có màu vàng nhạt gây nên bệnh phân trắng.