Chưa kiểm soát được ATVS thực phẩm
Tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh (ATVS) thực phẩm từ đầu năm tới nay vẫn diễn biến phức tạp vì các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe, cho dù các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra và xử phạt.
Tính từ đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý gần 1.700 vụ vi phạm liên quan tới ATVS thực phẩm và nông nghiệp, trong đó chủ yếu là vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Các cơ quan đã xử phạt hành chính gần 14 tỉ đồng, tịch thu và tiêu hủy hàng chục tấn tang vật. Tuy nhiên số vụ bị xử lý hình sự không đáng kể, chưa đủ sức răn đe, theo thông tin từ cuộc họp về chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất độc hại dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp diễn ra chiều 2-12 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, số lượng các cuộc kiểm tra, thanh tra tăng lên trong thời gian qua song số vụ xử phạt vẫn ít. Nếu nói văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ chế tài răn đe thì chưa phải. Bởi ngay trong các quy định về vi phạm chất lượng, nhãn mác, bao bì đều có thể quy ra trị giá sản phẩm và có thể căn cứ vào đó để xử phạt. “Vấn đề là chúng ta chưa kiên quyết, các lực lượng ở địa phương chưa thực sự vào cuộc”, ông Cẩn nói.
Minh chứng cho vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn hoành hành phổ biến và phức tạp mặc dù đã có nhiều quy định quản lý.
Hiện nay, công tác quản lý giữa hai bộ (Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn nhiều chồng chéo. Lực lượng cán bộ chuyên môn rất mỏng song hệ thống quản lý gần như buông lỏng. Chính sự buông lỏng đó đã dẫn đến tình trạng hối lộ, bao che những hành vi vi phạm, ông Thúy nói.
Hiện cả nước có khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón song mới chỉ có khoảng 90 cơ cơ được cấp phép.
Về vấn đề các chất kích thích như Salbutamol, Clenbuterol… được sử dụng trong chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long cho rằng những hóa chất này khi nhập về đều cho thấy được sản xuất trong các cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP để sản xuất thuốc cho người. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị nhập báo cáo nguồn gốc sản phẩm nhập và bán cho các đơn vị nào. Bộ cũng đã thành lập bốn đoàn thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm bán cho ngành nông nghiệp, bán cho người sản xuất thì phải xử lý nghiêm, và chuyển ngay cho cơ quan công an vào cuộc.
“Các chất cấm này có trong chăn nuôi có thể qua con đường nhập lậu. Do vậy, cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu”, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với trên 3.100 cơ sở thuộc lĩnh vực thuốc thú y, thủy sản được thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện trên 1.100 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật, nghĩa là trên một phần ba số cơ sở có vi phạm. Trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, trong 11 tháng đã tiến hành kiểm tra trên 5.800 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, và phát hiện trên 900 cơ sở vi phạm, cũng là một tỷ lệ khá cao.
Các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp đã kiểm tra phát hiện 16% trong số các mẫu thịt bị kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% trong số mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt chỉ tiêu cho phép.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kết quả đấu tranh đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế, đã có hiện tượng cán bộ làm ngơ, tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, công tác điều tra còn thiếu kiên quyết. Các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm chỉ đạo, chưa quy tụ được sức mạnh tổng hợp của cả xã hội. Các cấp chính quyền chưa coi đây là việc cần chỉ đạo, quản lý tốt hơn và đặc biệt, chưa vận động quần chúng mạnh mẽ lên án những hành vi vi phạm pháp luật này.
Theo Phó Thủ tướng, hành vi vi phạm sản xuất kinh doanh phân bón giả kém chất lượng, thực phẩm bẩn, không an toàn là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân và uy tín quốc gia. Đấu tranh ngăn chặn là nhiệm vụ của tất cả các bộ, ngành và xã hội. Do đó, hành vi vi phạm cần được công khai, và cần truy cứu hình sự hoặc xử lý hành chính ở mức cao nhất để đủ sức răn đe.