Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ đang ngày càng cạn kiệt khiến đời sống của không ít ngư dân gặp khó khăn. Vì vậy, việc bảo vệ, tái tạo NLTS là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành và chính ngư dân.
Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ
Những dịp theo ngư dân ra biển khai thác thủy sản (KTTS), chúng tôi mới thấy NLTS ven bờ đang bị cạn kiệt. Ngư dân Nguyễn Thanh Long (phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa), làm nghề lưới ghẹ cho biết: “Trước đây, thủy sản ven bờ còn nhiều nên cuộc sống của ngư dân cũng khấm khá. Bây giờ, cá, tôm, mực, ghẹ ngày càng ít, thậm chí có khi đi biển suốt đêm mà tôi chỉ bắt được có 3 - 4 con ghẹ. Tôi đi 10 chuyến biển thì lỗ tiền dầu đến 4 - 5 chuyến”.
Ngư dân Trần Hồng (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) làm nghề lưới cá trên đầm Nha Phu cho biết: Khoảng chục năm trước, chúng tôi thả lưới trên đầm cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Còn bây giờ, do khai thác quá mức nên nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao đã bị tận diệt, dẫn đến việc đi đánh bắt bữa có, bữa không. Những năm gần đây, ngành Thủy sản tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thả con giống nhằm tái tạo NLTS tại đầm Nha Phu. Việc này đã mang lại hiệu quả khi những chuyến biển gần đây, tôi đã khai thác được một số loại cá như: cá chim vây trắng, cá chim vây vàng...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đẩu - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ NLTS tỉnh cho hay: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.800 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có gần 1.150 tàu (chiếm 11,66%) đủ điều kiện khai thác xa bờ, còn hơn 8.660 tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng. Do số lượng tàu khai thác vùng ven bờ nhiều, dẫn đến NLTS trở nên suy kiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và thu nhập của cộng đồng ngư dân”. Trước đây, đầm Nha Phu và nhiều vịnh, đầm khác trên địa bàn tỉnh có NLTS rất lớn với nhiều loài tôm, cua, ghẹ, cá và nhuyễn thể hai mảnh vỏ... Hiện nay, NLTS đang giảm một cách nhanh chóng. Theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, NLTS ven bờ bị cạn kiệt chủ yếu là do thời gian qua người dân đã khai thác quá mức. Đặc biệt, không ít người sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt như: khai thác bằng chất nổ, chất độc, giã cào, lờ dây... Khi khai thác bằng những cách này, thủy sản lớn bé đều bị tận diệt... Ngoài ra, việc nhiều tàu thuyền công suất lớn lẽ ra phải hoạt động ở vùng lộng, vùng khơi thì lại tham gia khai thác vùng ven bờ. Điều này càng gia tăng áp lực lên NLTS ven bờ.
Thả giống để tái tạo nguồn lợi
Để khắc phục hiện trạng này, chính quyền và ngành chủ quản đã đặt ra mục tiêu cần phải tái tạo NLTS tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, năm nay, ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và hàng trăm chủ phương tiện KTTS trên địa bàn tỉnh đã đến đầm Nha Phu để thả con giống. Ông Nguyễn Văn Đẩu cho biết: “Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4), vừa qua, tại đầm Nha Phu, chúng tôi đã tiến hành thả ra biển hơn 620.000 con giống thủy sản các loại gồm: 600.000 con tôm sú, 10.000 con cá chẽm, 5.000 con cá chim trắng, 5.000 con ốc hương, 500 con cá ngựa. Tổng trị giá các loại giống thủy sản được thả hơn 140 triệu đồng, trong đó có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các cơ sở sản xuất giống thủy sản và hơn 200 chủ tàu KTTS”.
Trước báo động đỏ về NLTS bị cạn kiệt, từ năm 1992 đến nay, ngành Thủy sản Khánh Hòa đã tổ chức nhiều đợt thả giống thủy sản các loại như: tôm sú, hải sâm, tu hài, cá mú, cá chẽm, cá bớp, cá ngựa... xuống các vịnh như: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều... Tuy năm nay, số doanh nghiệp và ngư dân tham gia thả giống xuống biển nhiều hơn mọi năm, nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo doanh nghiệp và ngư dân trong tỉnh tham gia. Bên cạnh hoạt động thả giống thì việc nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ NLTS là rất quan trọng. Muốn vậy, mỗi người dân, mỗi tàu thuyền cần phải tuân thủ các quy định về KTTS, nhất là không đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt.
UBND tỉnh đã ban hành Quy định quản lý hoạt động KTTS trên địa bàn tỉnh kể từ năm 2014 với nhiều quy định nghiêm ngặt về đánh bắt thủy hải sản ven bờ. Cụ thể, ngư dân sẽ phải hạn chế tối đa việc khai thác hải sản trên hệ thống đầm, vịnh, vốn có giá trị lớn về mặt sinh thái, du lịch và những ngành kinh tế quan trọng khác như các vịnh: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh; đầm Thủy Triều, Nha Phu... Quy định còn nêu rõ, tàu có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV không được khai thác hải sản ven bờ, cấm tất cả các nghề lưới kéo (giã cào, cào sò) KTTS tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh; cấm tất cả các nghề KTTS hoạt động trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn biển Hòn Mun; cấm đặt bẫy, nhử, khai thác tôm hùm giống trên vịnh Nha Trang; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động trong đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu. Ngoài ra, nghề lờ dây không được phép khai thác tại các đầm, vịnh kể trên và cả các vùng nước thuộc cửa sông, cửa lạch...