TIN THỦY SẢN

Chung tay góp sức khắc phục hậu quả sau bão đi qua

Tái ổn định NTTS và cuộc sống sau bão đi qua. Ảnh: tuoitrethudo.vn Hòa Thy

Sau cơn bão số 3 - Yagi, ngành nuôi trồng thủy sản thường phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề. Do đó, nhiệm vụ quan trọng và cần thiết lúc này là cùng nhau chung tay góp sức khắc phục hậu quả khi bão đi qua.

Thiệt hại bão số 3 gây ra

Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/9, tổng cộng có 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng và cuốn trôi, trong đó Quảng Ninh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.637 lồng bè.

Tại Quảng Ninh, thiệt hại ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, vùng nuôi hàu bị mất trắng, hàng nghìn tàu thuyền và cơ sở nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Huyện Vân Đồn ghi nhận thiệt hại hơn 2.200 tỷ đồng, với nhuyễn thể, cá biển và hải sản khác bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, tỉnh Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi mất điện trên diện rộng, tác động nghiêm trọng đến nuôi tôm.

Tại các địa phương khác như Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, và Phú Thọ, hàng trăm héc-ta nuôi thủy sản bị ngập, tràn bờ, gây thiệt hại từ 30-70% diện tích nuôi. Tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, làm gián đoạn sản xuất, gây khó khăn lớn cho người nuôi trồng thủy sản.

Nhiều lồng bè NTTS của bà con bị nhấn chìm. Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Quảng Ninh và Hải Phòng cũng ghi nhận gần 12.000 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão, với tổng dư nợ hơn 26.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngành nông-lâm-thủy sản tại Quảng Ninh là hơn 5.541 tỷ đồng.

Bước đầu khắc phục hậu quả sau bão

Ngay sau khi bão số 3 đi qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công văn số 6661/BNN-TS ngày 9/9 yêu cầu các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, và Thái Bình triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất thủy sản.

Các địa phương được yêu cầu thu gom rác thải, xử lý thủy sản chết để ngăn ngừa ô nhiễm và dịch bệnh, đồng thời đánh giá thiệt hại và hỗ trợ người dân kịp thời. Hướng dẫn kỹ thuật phục hồi sản xuất và chăm sóc thủy sản sau bão cũng đã được đưa ra, cùng với khuyến cáo sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt để sửa chữa hệ thống lồng bè nuôi trồng.

Bước đầu tháo gỡ những khó khăn khi cơn bão số 3 đi qua của người dân NTTS. Ảnh: tuoitrethudo.vn

Tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu huy động các nguồn lực quốc tế và doanh nghiệp để hỗ trợ giống, thức ăn và thiết bị cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Cục Thủy sản sẽ tổ chức hội nghị phục hồi sản xuất, đặc biệt chú trọng đến nuôi biển, và đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn và bền vững cho lồng bè thủy sản trong bão.

Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết hỗ trợ tài chính, hoãn và giãn nợ cho các doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại. Các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất cho vay và tiếp tục cấp vốn mới để giúp người dân phục hồi sản xuất. Đặc biệt, VPBank đã công bố giảm 1% lãi suất cho các khoản vay trung, dài hạn và 0.5% cho vay ngắn hạn.

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, cũng cho biết Triển lãm Quốc tế chuyên ngành thủy sản Aquaculture Vietnam 2024 sẽ là cơ hội để tổ chức các hội thảo chuyên sâu về thiệt hại do bão, đồng thời tìm ra giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu để giảm thiểu rủi ro trong tương lai.

Hòa Thy