Chuỗi sản xuất cá tra "rối" ở nhiều khâu
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng chuỗi sản xuất cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Tiền Giang nói riêng còn nhiều khó khăn và “rối”ở nhiều khâu.
1. Lý giải về cái khó hiện nay, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng: Hầu như những người tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất cá tra từ con giống, nuôi cá nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu đều hòa vốn, thậm chí có tình trạng thua lỗ, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng. Chẳng hạn, hiện tại con giống có kích cỡ 2 cm có giá vốn nuôi từ 1.200-1.500 đồng/con nhưng hiện giá bán cho các ao nuôi chỉ từ 800-1.000 đồng/con. Như vậy, người nuôi con giống lỗ từ 400-500 đồng/con.
Đối với nuôi cá thịt giá vốn từ 23.000-24.000 đồng/kg nhưng nhà máy chế biến, sau khi cân đối giá bán, giá nguyên liệu mua vào cũng ở tầm 20.000-21.000 đồng/kg. Bản thân người nuôi cá nguyên liệu cũng lỗ bình quân 2.000 đồng/kg.
Còn đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nếu mua cá nguyên liệu từ bên ngoài về chế biến có thể gặp ít khó khăn hơn (do người nuôi cá nguyên liệu đã gánh bớt một phần lỗ) nhưng cũng chỉ đủ trả lương và các chi phí hoạt động của nhà máy chứ rất khó kiếm lời trong thời điểm hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mà có vùng nuôi riêng sẽ phải “gồng” thêm những phát sinh của vùng nuôi, với giá vốn cao nên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, có khả năng lỗ vốn.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ thế giới và những động thái từ trong nước đối với ngành hàng cá tra xuất khẩu hiện tại chưa có gì sáng sủa. Ngay cả châu Âu, thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với cá tra của Việt Nam, cũng vẫn còn rất kén “ăn hàng”.
Yếu tố này cộng hưởng với tình hình trong nước làm cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hiện nay trong tình trạng cực kỳ khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO, cho rằng việc chủ động nguyên liệu ổn định sản xuất và khách hàng là điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp nào xây dựng chuỗi sản xuất khép kín cũng góp phần quan trọng, hạ được tối thiểu chi phí giá thành của sản phẩm, để có giá bán tốt; đồng thời quản lý và chủ động được nguyên liệu đầu vào. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nếu đơn vị nào đầu tư được chuỗi khép kín sẽ ít gặp khó khăn hơn các đơn vị khác.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đạo, nguyên nhân chính vẫn là do sự cạnh tranh nội bộ của các doanh nghiệp trong nước đi đến mức quá gay gắt. Trong sự cạnh tranh này có yếu tố chủ quan tác động, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, cộng với tình hình thế giới đang khó khăn. Cộng hưởng nhiều yếu tố, hơn năm nay chuỗi sản xuất cá tra đều gặp khó khăn, dẫn đến thua lỗ, đơn vị nào có lợi nhuận năm trước thì năm nay bắt đầu sụt giảm.
2. ĐBSCL phát triển ngành hàng cá tra xuất khẩu chỉ mới bắt đầu hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cứ 2-3 năm phát triển nhanh, chuỗi sản xuất cá tra lại gặp khó khăn. Điệp khúc này cứ lặp đi lặp lại. Điều này cho thấy sự phát triển thiếu bền vững, một phần là do sự tham gia của Nhà nước trong việc điều phối chưa xứng tầm đối với ngành hàng cá tra. Có thể thấy điều này qua vai trò dự báo thị trường để từ đó việc quy hoạch diện tích nuôi, với sản lượng bao nhiêu để tránh tình trạng “được mùa rớt giá” từng xảy ra liên tục chưa thực hiện được.
Bên cạnh vấn đề quản lý con giống còn lỏng lẻo cũng là điều cần bàn. Trên thực tế, việc sản xuất con giống cá tra hiện tại phần lớn là do tư nhân và tự phát làm cho nên chất lượng con giống chưa được quản lý tốt nhằm đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu. Điều hiển nhiên, song chưa làm tốt, đó là muốn có con giống tốt phải có đàn cá bố mẹ tốt.
Vấn đề chính yếu hiện nay có lẽ là tập trung ở các nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra. Thực tế cần phải nhìn nhận rằng, giai đoạn 2007-2008, ngân hàng dư vốn nên ai có dự án thì được cho vay làm nhà máy chế biến xuất khẩu. Từ thực tế đó, công suất của nhà máy chế biến xuất khẩu so với nguồn nguyên liệu cung cấp luôn “chênh” với nhau khoảng 40%.
Trong khi đó, hiện tại nguồn vốn từ hệ thống tín dụng ngày càng eo hẹp lại, việc cho vay lại bị kiểm tra gắt gao hơn, mặc dù lãi suất cho vay có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao nên nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu vừa thừa công suất hoạt động lại gặp khó khăn về vốn lưu động. Từ thực tế này cũng cần đến vai trò điều tiết của Nhà nước để tránh tình trạng khủng hoảng thừa công suất chế biến của các nhà máy.
Đối với các công ty không có nhà máy chế biến, chủ yếu thuê gia công nên rất khó kiểm soát được chất lượng và giá bán. Điều này làm cho các doanh nghiệp sản xuất nghiêm chỉnh, có nhà máy chế biến phải bán theo giá của họ, làm rối thị trường.
Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng thức ăn cũng cần được quan tâm. Hiện nay có tình trạng giá thức ăn luôn tăng, nhưng khi giá nguyên liệu giảm thì giá thức ăn khó lòng mà giảm. Hiện tại ở khâu chế biến thức ăn cho cá có đến 80% các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ nên Nhà nước cũng cần có cơ chế quản lý giá bán thức ăn và cả quản lý chất lượng.
Mặc dù vậy, đại diện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cùng có nhận định, những khó khăn hiện nay chỉ mang tính thời điểm, về lâu dài con cá tra vẫn phát triển tốt. Bởi, cá tra là một trong những loại thực phẩm có chất lượng ngon, giá thành phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Do vậy, những khó khăn sẽ sớm qua, sẽ trả lại đúng vị trí cho con cá tra trong điều kiện các doanh nghiệp trong nước phải đồng thuận với nhau, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Lúc đó chuỗi sản xuất cá tra sẽ mang lại hiệu quả cho mọi người.