Chuộng nguyên liệu nhập khẩu
Nguyên liệu trong nước có nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm nội địa vẫn chuộng nhập khẩu vì nguồn hàng ổn định, chất lượng được kiểm soát tốt hơn và có giá cạnh tranh hơn.
Giá rẻ hơn
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hứa Xuân Sinh, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Đức Việt (DVF) cho biết công ty hiện đang nhập khẩu một lượng lớn thịt heo của Mỹ, Canada, châu Âu... bên cạnh sử dụng 50% nguồn nguyên liệu thịt heo trong nước để sản xuất. Lý do là nguồn thịt heo nhập khẩu tương đối ổn định, giá cả ít biến động, chất lượng đảm bảo, còn nguyên liệu trong nước thì bấp bênh. Như vụ tăng giá, "sốt" thịt heo năm 2010. Khi đó giá heo hơi miền Bắc đạt đỉnh 73.000 đồng/kg, công ty phải nhập khẩu thịt heo để đủ nguyên liệu duy trì sản xuất. Đó là chưa kể, quy trình cấp đông sản phẩm thịt heo trong nước không đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được chặt chẽ, đặc biệt là dịch bệnh không kiểm soát hết.
Tương tự đối với tôm, sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn của VN nhưng nhiều năm liền thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Công ty TNHH Hải Dương (Bình Thuận) phân tích: Năm nay Thái Lan trúng mùa, chi phí lại thấp, tôm nhập khẩu về VN vẫn rẻ hơn tôm trong nước. Theo một số doanh nghiệp (DN) trong ngành, chỉ cần tôm xuất khẩu từ VN cao hơn 1 cent Mỹ (khoảng 2.000 đồng)/kg so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực thì đã khó cạnh tranh trên thị trường. Như vậy giải pháp nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến tái xuất có thể khả thi hơn sử dụng nguyên liệu trong nước.
Với mặt hàng đường, nhập khẩu cũng là lựa chọn của nhiều công ty. Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cho biết, công ty sử dụng từ 40.000 - 50.000 tấn đường/năm nhưng mỗi lần liên lạc với các nhà máy trong nước lại nghe kêu hết hàng. Nhu cầu sử dụng đường của các công ty nước ngoài như Coca Cola, Néstle VN cũng từ 30.000 - 40.000 tấn đường tinh luyện cao cấp/năm nhưng rất ít nhà máy trong nước đáp ứng được tiêu chuẩn, trong khi giá cả lại biến động bất thường. Nên nhập đường, là giải pháp được các công ty lựa chọn. Theo ông Trương Phú Chiến - Tổng giám đốc Công ty Bibica, hiện Bibica nhập khẩu khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu đường, do phương thức thanh toán thuận lợi hơn đường nội địa vì không phải trả trước, giá ổn định.
Riêng mặt hàng muối, VN hằng năm phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn muối. Năm 2012, hạn ngạch mà Bộ Công thương cấp cho các DN nhập khẩu muối lên tới 102.000 tấn. Muối nhập khẩu này chủ yếu dùng trong lĩnh vực y tế, sản xuất thuốc, hóa chất, nhưng cũng từng xảy ra tình trạng các DN dùng muối nhập này bán làm muối ăn. Ngoài ra, hằng năm, Bộ Công thương cũng phân bổ hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm.
Cần sản xuất quy mô lớn
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phân tích, quy mô chăn nuôi ở VN chủ yếu nhỏ lẻ, theo kiểu gia đình thì không thể kiểm soát được giá đầu vào, an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn hàng ổn định. Nhà nước cũng không thể kiểm soát chặt chẽ được nguồn hàng vì mua bán qua trung gian. Hơn nữa, các nhà sản xuất nhỏ lẻ này chạy theo thị trường, nay làm mai bỏ, khiến nguồn cung bấp bênh. Nếu khắc phục được những nhược điểm này, thì nguyên liệu nước ngoài không có cửa vào VN.
Giải pháp căn cơ cần phải thực hiện ngay bắt đầu từ chính sách vĩ mô của nhà nước. Trong đó phải khuyến khích tổ chức lại sản xuất nông sản thực phẩm quy mô; phải có những trang trại lớn đảm bảo nguồn cung cũng như kiểm soát được chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, cũng phải tổ chức lại các cơ sở chế biến, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Các hỗ trợ này phải thành một chương trình lớn, có ngân sách duy trì thường xuyên. Nếu không nhanh chóng thực hiện cải thiện nguồn nguyên liệu trong nước, thiệt hại dài lâu là khó tính toán hết được. Vì những năm tới đây, khi các hiệp định thương mại với VN được thực thi, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào nước ta. Nếu cạnh tranh không nổi thì sản xuất trong nước sẽ chết, nông dân sẽ đi làm thuê cho nước ngoài và DN trong nước cũng sẽ bất lực nhìn nước ngoài làm lợi ngay trước mắt mình.
Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TP.HCM, lý do chính khiến các DN sản xuất phải nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, nhất là thịt heo, chủ yếu lo ngại an toàn vệ sinh thực phẩm. “Không thể trách các DN sản xuất, bởi họ phải tìm phương án nào tốt nhất, đem lại lợi nhuận tốt nhất và bảo vệ uy tín kinh doanh của mình. Cách duy nhất để chúng ta tận dụng được lợi thế trên sân nhà để có thể cung cấp nguyên liệu cho nhà sản xuất là phải có sự tham gia của nhà nước vào quá trình kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu”, ông Ngãi đề xuất. Ngoài ra, TS Ngãi cũng cho rằng, sản xuất quy mô lớn là giải pháp căn cơ. Bởi có sản xuất lớn mới có thể kiểm soát được dịch bệnh tốt nhất, đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa, giá cả. Các nhà cung cấp sản xuất lớn buộc phải đảm bảo chất lượng và số lượng, nếu không sẽ bị từ chối đơn hàng, dẫn tới phá sản.
Nếu cạnh tranh không nổi thì sản xuất trong nước sẽ chết, nông dân sẽ đi làm thuê cho nước ngoài và DN trong nước cũng sẽ bất lực nhìn nước ngoài làm lợi ngay trước mắt mình
Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam