TIN THỦY SẢN

Chuyện dòng sông

ngọc khánh

Sau hơn 25 năm mở cửa và đẩy mạnh phát triển kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước trên các dòng sông. Nếu như trước kia, nước sông được sử dụng như nước sinh hoạt của các gia đình, thì nay ở nhiều nơi người dân không thể sử dụng nước sông cho sinh hoạt, cá và các loài thủy hải sản không sống nổi. Qua thời gian, nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng, và đến nay, có thể nói tình trạng ô nhiễm nước sông đã trở thành vấn đề cấp bách ở nhiều địa phương.

Khánh Hòa có một dòng sông lớn là sông Cái. Con sông là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới chính cho cây trồng, vật nuôi và một số mục đích khác của huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang.

Những năm qua, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã làm cho nước sông Cái bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các tác nhân gây ô nhiễm môi trường nguồn nước sông Cái chủ yếu là chất thải, nước thải… chưa qua xử lý của các trang trại chăn nuôi, cơ sở chế biến hải sản, rác thải sinh hoạt của các khu công nghiệp và người dân sinh sống 2 bên dòng sông. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì trong tương lai không xa, hàng vạn người sống nhờ nguồn nước này sẽ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Theo Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” được thực hiện năm 2010 - 2011, giá trị tổng chất rắn lơ lửng trên sông Cái đều vượt quá giới hạn tại mọi điểm lấy mẫu đối với nước dùng cho mục đích sinh hoạt. Các chỉ tiêu khác như: kẽm, vi khuẩn và ô xy hòa tan tại tất cả các vị trí đều vượt quá chuẩn cho phép, riêng vi khuẩn vượt chuẩn nhiều lần. Tại những nơi gần Khu công nghiệp Suối Dầu và cống Diên Toàn, hàm lượng vi khuẩn ở mức cao nhất. Một chuyên gia về môi trường cho biết, nước sông Cái hiện đang đối mặt với 5 nguy cơ, đó là sự phát triển của các khu công nghiệp, sự cạn kiệt rừng đầu nguồn, chất thải của các hộ dân sống ven bờ sông, nguy cơ nhiễm mặn và tình trạng khai thác cát vô tội vạ.

Để bảo vệ nguồn nước sông Cái, theo các nhà chuyên môn, cần sớm triển khai các giải pháp như: Yêu cầu các cơ sở hoạt động sản xuất ven lưu vực sông xây dựng hệ thống xử lý đạt chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường; các dự án đầu tư bên lưu vực sông phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; có chế tài xử phạt nặng đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông và yêu cầu di dời ra khỏi lưu vực sông các cơ sở gây ô nhiễm không có khả năng khắc phục, xử lý. Bên cạnh đó, thu gom và xử lý đúng quy định 80% chất thải rắn sinh hoạt ở khu dân cư tập trung và 60% chất thải nguy hại ở lưu vực sông; xây dựng các mô hình xã hội hóa về công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại các làng, xã nơi con sông đi qua.

Làm được như vậy mới hy vọng nước sông Cái trong lành trở lại, phục vụ tốt nhu cầu về nước sạch của người dân sống hai bên bờ sông.

ngọc khánh báo Khánh Hòa