TIN THỦY SẢN

Có đến 5-20% người nuôi cá điêu hồng ngưng dùng thảo dược

Nuôi cá điêu hồng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: cgtn.com NH Tổng Hợp

Ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang ghi nhận tỉ lệ hộ nuôi cá điêu hồng đang sử dụng thảo dược lần lượt là 70%, 95%, 60%. Tuy nhiên, số hộ ngưng sử dụng chiếm từ 5-20%, số hộ hoàn toàn không sử dụng thảo dược chiếm 5-25%.

Trong số các đối tượng thủy sản được nuôi ở ĐBSCL thì cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là loài phổ biến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình hình dịch bệnh ngày càng nhiều, các tác nhân gây bệnh phổ biến cho cá điêu hồng như Streptococcus spp., Flavobacterium columnare, Aeromonas hydrophila, Edwardsiella tarda, Ichthyophitirius multifillisTricodina sp. Trong đó, Streptococcus agalactiae là mầm bệnh chính trên cá điêu hồng, gây bùng phát hầu hết các dịch bệnh nghiêm trọng với tỷ lệ cao và thiệt hại kinh tế lớn.

Trước thực trạng đó, các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược đang là một phương pháp phòng bệnh thay thế cho kháng sinh được quan tâm hàng đầu.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát tình hình sử dụng, nhu cầu và hiệu quả của việc sử dụng thảo dược trong hệ thống nuôi cá điêu hồng (Oreochromis sp.) lồng bè tại Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang. Khảo sát 60 hộ tại 3 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang để đánh giá tình hình sử dụng thảo dược ở 3 tỉnh này.

Kết quả ghi nhận tỉ lệ hộ đang sử dụng thảo dược ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang lần lượt là 70%, 95%, 60%. Trong 15 loại thảo dược đã được sử dụng trong quá trình nuôi cá điêu hồng thì tỏi (Allium sativum), atiso (Cynara scolymus), trâm bầu (Combretum quadrangulare), mần ri (Cleome chelidonii) và dây vác (Cayratia trifolia) được sử dụng nhiều nhất. Trong đó, tỏi (Allium sativum) được nhiều người dùng do có đa dạng các sản phẩm chiết xuất từ tỏi, nguồn nguyên liệu dễ tìm và giá thành phù hợp. Hiện nay, tỏi thường xuyên được sử dụng để phòng bệnh cho các loài thủy sản như cá tra, cá chẽm, tôm thẻ chân trắng nhờ khả năng giúp tăng miễn dịch, khả năng chống chịu bệnh và cải thiện tỉ lệ sống (Muslim et al., 2009; Talpur and Ikhwanuddin, 2012; Labrador et al., 2016).

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều hộ sử dụng thảo dược ở Đồng Tháp là do kinh nghiệm cá nhân và sự trao đổi kinh nghiệm với nhau giữa các hộ nuôi. Thêm vào đó, nguồn thảo dược tại khu vực này luôn có sẵn và ít mất thời gian bào chế vì vậy thảo dược được sử dụng rất phổ biến. Số hộ ngưng sử dụng thảo dược chiếm từ 5-20%, và số hộ hoàn toàn không sử dụng thảo dược chiếm 5-25%.


Công dụng của thảo dược được đa số hộ sử dụng là tăng cường khả năng miễn dịch 57%, phòng, trị bệnh do kí sinh trùng và cải thiện chất lượng nước (tỉ lệ 11,1-14,3%) và hỗ trợ giải độc gan (14,3- 25%). 

Tỉ lệ (%) hộ bổ sung dưới hình thức trộn vào thức ăn chiếm đa số (trên 75%), tạt thảo dược vào nước và cho ăn trực tiếp thường ở giai đoạn 1-2 tháng nuôi.

Qua quá trình khảo sát cho thấy có 5 loại sản phẩm thường được dùng trong nuôi trồng thủy sản trong đó chế phẩm sinh học được lựa chọn nhiều nhất để phòng bệnh, kế tiếp là chất tăng cường đề kháng, thảo dược ở vị trí thứ ba, hóa chất và kháng sinh được ít người sử dụng nhất. Nguyên nhân việc lạm dụng kháng sinh trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc, gây ô nhiễm môi trường và tích tụ dư lượng trong cá, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu và sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ thảo dược nghiên cứu nhiều trên các đối tượng thủy sản khác nhau do một số tác dụng tích cực của thảo dược như giúp kích thích hệ thống miễn dịch, tăng trưởng và giảm căng thẳng cho cá 

Mặc dù nghiên cứu chưa đánh giá được chi phí và lợi nhuận giữa hộ có sử dụng và không sử dụng thảo dược, tuy nhiên nghiên cứu đã cung cấp được những thông tin cơ bản về hiệu quả và tiềm năng sử dụng thảo dược trong quá trình nuôi cá điêu hồng.

Hiện nay, thảo dược là một trong những giải pháp đang dược khuyến khích áp dụng vào nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá điêu hồng nói riêng.

Báo cáo gốc: Đoàn Thị Minh Châu, Trần Thị Tuyết Hoa và Trần Thị Mỹ Duyên, 2020. Khảo sát tình hình sử dụng thảo dược trong nuôi cá điêu hồng (Oreochromis sp.) tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 56(6B): 227-236.

NH Tổng Hợp