TIN THỦY SẢN

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang EU

Ảnh minh họa: Internet Sơn Trang

Năm 2017, EU đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Sắp tới, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành tôm sẽ có thêm nhiều cơ hội đẩy mạnh XK sang thị trường quan trọng này.

Theo VASEP, trong 11 tháng đầu năm nay, Xuất khẩu tôm sang EU đạt giá trị 780,2 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2016. Với giá trị XK đó, EU đã trở thành thị trường lớn nhất và chiếm 22,2% tổng giá trị XK tôm Việt Nam trong 11 tháng qua. XK tôm sang EU tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao ở thị trường này. Người tiêu dùng EU lại ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng, tiện lợi cho việc chế biến, sử dụng.

Tiềm năng đẩy mạnh XK tôm sang EU là không nhỏ, bởi Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 10% giá trị NK tôm của khu vực này. Hiện EU đang chiếm khoảng 30,6% tổng giá trị NK tôm trên toàn thế giới. Mỗi năm, EU NK tôm với giá trị từ 6-8 tỷ USD. Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), trong 10 tháng đầu năm 2017, EU đã NK tôm với giá trị hơn 5 tỷ USD.

Tại thị trường EU, tôm Việt Nam có 2 đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Ấn Độ và Ecuador. Điều đáng chú ý là XK tôm của Ấn Độ sang EU đang có xu hướng giảm bởi EU đã áp dụng quy định kiểm tra ngay tại biên giới 50% lô hàng tôm có xuất xứ từ Ấn Độ do lo ngại về dư lượng khánh sinh. Thậm chí, EU đang xem xét khả năng ngừng NK tôm từ Ấn Độ.

Ecuador đang có lợi thế hơn Việt Nam khi XK tôm sang EU. Trước hết, nhờ Hiệp định Thương mại tự do giữa Ecuador và EU đã có hiệu lực từ 1/1/2017, nên tôm chân trắng của Ecuador XK sang EU đã được giảm thuế NK từ 3,6% xuống còn 0%. Tôm nuôi của Ecuador lại có giá thành không cao nhờ nguồn giống tốt, có khả năng kháng bệnh cao.

So với Ecuador, tôm Việt Nam đang có giá thành sản xuất cao hơn, chịu thuế NK cao hơn nhiều tại thị trường EU. Cụ thể: Tôm nguyên liệu mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) từ Việt Nam NK vào EU đang chịu thuế 12,5%; sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) chịu thuế 20%; tôm chế biến mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) chịu thuế 20%; tôm chế biến khác mã HS 16052190, có mức thuế 20%.

Hiện tại, tôm Việt Nam XK sang EU đang được hưởng thuế GSP (Hệ thống ưu đãi phổ cập), với những mức thuế thấp hơn đáng kể so với mức thuế chung nói trên.

Cụ thể, mức thuế GSP cho tôm nguyên liệu đông lạnh (mã HS 030617) chỉ là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%. Tuy nhiên, để được hưởng thuế GSP, sản phẩm tôm Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ của EU. Hiện ngành tôm Việt Nam còn phải sử dụng khá nhiều nguyên liệu NK, nên không phải lô hàng tôm nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ.

Chính vì vậy, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sẽ làm tăng đáng kể khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường EU, nhất là ở khía cạnh thuế NK. Chẳng hạn, với tôm nguyên liệu mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…), sẽ được giảm từ mức thuế 12,5% hiện nay xuống còn 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) cũng ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, sẽ giảm từ mức thuế 20% hiện nay xuống còn 0%. Các sản phẩm tôm chế biến mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm chế biến khác mã HS 16052190, sẽ được điều chỉnh từ mức thuế 20% hiện tại xuống còn 0% sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.

Tuy vậy, để đẩy mạnh được XK tôm sang EU trong thời gian tới, các DN vẫn cần đặc biệt quan tâm tới các yếu tố chất lượng, ATTP, thậm chí cả nguồn gốc nguyên liệu... Theo một chuyên gia ngành tôm, hiện Việt Nam đang NK khá nhiều tôm nguyên liệu từ Ấn Độ để chế biến XK sang các thị trường khác. Trong khi đó, tôm Ấn Độ XK sang EU lại đang bị kiểm soát chặt về dư lượng kháng sinh. Do đó, các DN chế biến XK tôm Việt Nam cần lưu ý hơn về nguồn nguyên liệu khi XK sang EU.

Sơn Trang Nông Nghiệp Việt Nam