Cơ hội tái cấu trúc ngành cá tra
Năm 2018, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đạt được nhiều kết quả tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ, giá bán tại các thị trường nhập khẩu tăng, có lợi cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp. Vị thế của con cá tra đã được nâng lên, trở thành 1 trong 7 loài thủy sản được tiêu thụ mạnh trên thế giới.
Thị trường rộng mở
“Xuất khẩu cá tra hiện nay rất thuận lợi. Thị trường rộng mở, giá trị nâng lên, đây là cơ hội để ngành cá tra thực hiện tái cơ cấu ngành hàng theo hướng an toàn, bền vững. Sản phẩm cá tra đã xuất trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, cá tra trở thành 1 trong 7 loài thủy sản được tiêu thụ mạnh trên thế giới. Đây là cơ hội để ngành hàng cá tra đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, cân đối cung - cầu để không còn tình trạng “thừa hàng, dội chợ” như thời gian qua” - Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Châu Phú Nguyễn Hữu Nguyên cho biết.
Từ đầu năm 2018 đến nay, 3 thị trường xuất khẩu chính của cá tra là Trung Quốc - Hồng Kông, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9-2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,59 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt từ quý III-2018, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn có nhiều chuyển biến tốt. Cụ thể, thị trường Trung Quốc trong 9 tháng của năm 2018, giá trị xuất khẩu đạt 376,8 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2017. Với đà xuất khẩu hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu cá tra toàn thế giới. Đối với thị trường Mỹ, năm nay xuất khẩu cá tra sang Mỹ có nhiều lạc quan hơn, đặc biệt khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá (POR14) giai đoạn từ ngày 1-8-2016 đến 31-7-2017, thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR13). Đây là tín hiệu vui của ngành xuất khẩu cá tra.
Trong tháng 9-2018, Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố lên Công báo Mỹ, đề xuất phía Mỹ công nhận hệ thống kiểm tra cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam có đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Thông tin trên dù chưa phải là kết quả chính thức nhưng là tín hiệu mừng cho cá tra Việt Nam và là cơ hội để các bộ, ngành và địa phương tái cấu trúc ngành hàng này.
Fillet đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu cá tra Việt Nam. Ảnh: M.H
Giá trị nâng lên
Đến cuối tháng 10-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trên 1,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm xuất khẩu cá tra được mùa nhờ giá bán sản phẩm ở các thị trường tăng. Cụ thể, thị trường Mỹ, giá bán 1kg fillet đông lạnh khoảng ở mức 5 - 6 USD/kg, Trung Quốc 3,6 - 4,3 USD, Nam Mỹ ở mức từ 3,5 - 3,7 USD/kg. So với năm 2016, mức giá xuất khẩu vào các thị trường tăng ít nhất 30 cent/kg. Đây là mức giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 20 năm qua. Với mức giá này, doanh nghiệp và người nuôi đều có lãi. “Năm 2002, khi Hiệp hội các chủ trại nuôi cá tra Mỹ phản ứng và đề xuất các cơ quan chức năng Mỹ, không công nhận cá tra Việt Nam mang tên “Casfish”, một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc tranh chấp thương mại và về sau Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam là họ cho rằng, sản phẩm chúng ta bán ở thị trường Mỹ rẻ hơn sản phẩm cá nheo nhằm mục đích phá giá, làm cho Hiệp hội cá nheo đứng bên bờ vực phá sản. Hiện nay, giá cá tra được nâng lên từ 5 - 6 USD/kg, họ nhanh chóng có những động thái chuyển sang công nhận tính tương đồng trong chăn nuôi, đồng thời nới lỏng thuế chống bán phá giá” - ông Nguyên chia sẻ.
Thị trường rộng mở, giá trị xuất khẩu sản phẩm được nâng lên, các ngân hàng dành một nguồn vốn nhất định (giá rẻ) phục vụ cho chương trình nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu. Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành cá tra tiến hành tái cấu trúc theo hướng bền vững. Để thực hiện công việc này, đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của hiệp hội ngành hàng, tiến hành kiểm soát quy hoạch nuôi, kiểm soát sản lượng phát triển hàng năm để không mắc phải tình trạng “thừa hàng, dội chợ”. Về mặt kỹ thuật, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi như: sử dụng thiết bị lọc nước nano và bột bakture (Nhật Bản) trong xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra. Qua đó giúp doanh nghiệp, nông dân giảm được giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
“Trong vòng 20 năm trở lại đây, chưa có năm nào giá cá tra xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài tốt như năm nay. Việt Nam là quốc gia có lợi thế tuyệt đối về sản phẩm cá tra, bao gồm: nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng, kinh nghiệm và tay nghề. Bằng sự kết hợp giữa khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm, nông dân có thể nuôi 1.000m2 mặt nước đạt đến 100 tấn cá, điều này rất tuyệt vời. Đây là điều kiện tốt để chúng ta tái cấu trúc ngành cá tra theo hướng khuyến khích những người có kinh nghiệm, tay nghề, vốn phát triển chăn nuôi theo quy hoạch” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới khẳng định.