Có "bát ăn bát để" nhờ nuôi cá
Có được thành quả như ngày hôm nay, anh Phong đã phải trải qua một quá trình vừa lao động, tìm tòi, vừa mạnh dạn áp dụng những phương pháp, kỹ thuật mới...
Hiện nay anh Phạm Đình Phong ở thôn Hòa Ché, xã Hùng Thắng (Bình Giang, Hải Dương) đang làm chủ một ao cá có tổng diện tích 1,8 mẫu và đấu thầu một ao cá nữa có diện tích tương đương. Để có được thành quả như ngày hôm nay, anh Phong đã phải trải qua một quá trình vừa lao động, tìm tòi, vừa mạnh dạn áp dụng những phương pháp, kỹ thuật mới.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế khó khăn, anh Phong chỉ được học hết cấp 2. Rời ghế nhà trường, anh bắt đầu nung nấu giấc mơ làm kinh tế. Anh đã từng mua máy sản xuất kem que để bán nhưng do không có đầu mối tiêu thụ nên sau hai năm anh phải từ bỏ. Năm 1997, xã Hùng Thắng thực hiện chuyển đổi các khu đầm triều cấy lúa bấp bênh sang đào ao nuôi trồng thủy sản, anh Phong là một trong những người đầu tiên nắm bắt cơ hội này. Những năm đầu, anh cấy lúa (khoảng 1 mẫu) kết hợp với nuôi thả cá. Nhưng giá trị kinh tế rất thấp, lại mất thời gian mấy tháng thối gốc rạ, ảnh hưởng đến môi trường sống và cá dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, anh quyết định bỏ cấy lúa, chỉ tập trung vào việc nuôi thả cá. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và vốn nên những vụ cá kế tiếp cũng chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Thời gian chăm sóc một vụ cá kéo dài tới 12 tháng nhưng cân nặng bình quân mỗi con cá khi thu hoạch chỉ đạt dưới 2 kg.
Sau những đêm dài trăn trở, đặc biệt là sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do Trung tâm học tập cộng đồng xã Hùng Thắng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện và tỉnh tổ chức (năm 2009), anh quyết định thay đổi phương pháp và mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư vào việc nuôi cá. Thay vì sử dụng cá giống loại rất nhỏ như trước đây, anh chuyển sang thả cá loại to, tập trung vào các loại cá truyền thống: trắm, trôi, mè, chép. Anh chọn con giống bảo đảm chất lượng tốt, khỏe mạnh. Trước đây anh chỉ sử dụng cỏ loại 2 (cỏ tạp), thức ăn tinh dạng viên nổi cho cá ăn, thì nay anh sử dụng hoàn toàn cỏ loại 1, thức ăn tinh gồm cả hai dạng nổi và chìm để con cá ở tất cả các tầng nước (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy) đều được ăn đủ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng trọng tối đa. Cũng nhờ đi học lớp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, anh Phong hiểu được biện pháp khử trùng, vệ sinh ao cá đúng kỹ thuật. Không chỉ khử trùng trước khi thả cá, mà trong quá trình nuôi anh cũng vệ sinh định kỳ. Đồng thời, tuân thủ đúng quy định về các chế phẩm và thời điểm vệ sinh ao nuôi. Mật độ cá cũng là yếu tố quan trọng. Theo kinh nghiệm của anh Phong, cá trắm dễ bị chết hơn cả.
Có vụ, ao cá của gia đình anh bị thất thoát 50% số cá trắm. Để khắc phục, anh Phong có hai cách: một là chủ động tăng mật độ ngay từ đầu vụ, hai là bổ sung kịp thời khi cá bị chết. Nhờ vậy, khi thu hoạch, sản lượng cá vẫn đạt yêu cầu. Ba năm trở lại đây, anh Phong đã rút ngắn thời gian một vụ cá xuống còn 7 - 8 tháng. Tổng sản lượng cá một năm đạt 11,4 tấn, trừ chi phí, anh thu lãi 120 triệu đồng, cao gấp 5 - 6 lần so với cấy lúa. Nhờ vậy, đời sống kinh tế gia đình anh ngày càng trở nên khấm khá. Năm 2012, gia đình anh được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Anh Phong chia sẻ: “Cho dù làm bất cứ công việc gì, điều cần nhất là sự tâm huyết. Khi thật sự yêu nghề, say nghề, mình sẽ quan tâm sâu sát tới công việc, gắn bó với công việc để có thể đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, trên cơ sở đó để điều chỉnh phương pháp sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn...”.