TIN THỦY SẢN

Có tiền, cá tra vẫn… “chết đuối”

Ngọc Long

Cũng như hạt lúa, giá cá tra đang ở mức dưới giá thành sản xuất. Thế mạnh của ĐBSCL là con cá, cây lúa năm nay xem ra không còn. 1,5 triệu nông dân đứng trước nguy cơ phá sản vì thua lỗ trong sản xuất và kinh doanh hai mặt hàng truyền thống này…

Có vốn cũng không cứu nổi

Hiện nay, giá cá tra đang dao động từ 22.500 đồng đến 23.000 đồng/kg (loại 1 từ 800 gram đến dưới 1 kg). Với mức giá này người nuôi cá vẫn còn lỗ 1.500 đồng/kg nên có vay được vốn ưu đãi hay không thì người nuôi cá tra cũng lỗ. Hiện nay, số người nuôi nhỏ lẻ rất ít, hầu như đã co cụm hay đã treo ao vì giá quá thấp. Trong khi vay vốn ưu đãi theo gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng của Chính phủ chẳng đến tay nông dân được bao nhiêu nên tình hình nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Võ Văn Đệ - người nuôi cá tra lâu năm ở phường Thuận An (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho hay, trước đây, gia đình ông có 3 ao nhưng giờ chỉ còn giữ lại 1 nuôi theo kiểu lấy công làm lời. Ông Đệ cho biết: “Giá cá tra hiện tại dưới giá thành nên không ai dám thả nuôi. Số người nuôi cầm cự cũng chẳng còn bao nhiêu vì dưới giá thành thì đằng nào cũng lỗ”.

Thông tin Cty CP thủy sản Hùng Vương vừa đưa ra gói hỗ trợ 500 tỷ đồng bằng cách bán chịu thức ăn cá tra nhãn hiệu Việt Thắng đến cuối vụ mới trả tiền khiến nhiều nông dân rất vui mừng nhưng chỉ giúp nông dân bớt lỗ trong giai đoạn khó khăn nhất. Theo đó, nông dân có cá 500 gram sẽ được hỗ trợ mua chịu thức ăn.

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho biết: “Được mua chịu thức ăn thì nông dân sẽ đỡ phần nào về gánh nặng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, với tình hình giá cá vẫn dưới giá thành như hiện nay thì có đem vốn ra cứu người nuôi cá, hết vụ này họ cũng phải “treo ao” vì càng nuôi càng thua lỗ”.

Hiện tại, HTX thủy sản Thới An đã co cụm lại chỉ còn 10 ha và nuôi theo kiểu cầm chừng, thả thưa, xoay vòng để thu hoạch hết ao vụ này. Theo nhiều nông dân, nếu ký hợp đồng với doanh nghiệp sẽ ràng buộc rất nhiều thứ và nông dân sẽ là người chịu phần thiệt. Đồng thời, rất ít hộ có cá 500 gram để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bán ao cho doanh nghiệp

Giá cá tra dưới giá thành thì người nuôi cá chỉ còn cách nuôi gia công hoặc bán ao cho DN. Ông Nguyễn Hữu Nguyên ở xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) trước đây nuôi 10 ha giờ co cụm lại chỉ còn hơn 1 ha.

Ông Nguyên cho biết: “Mỗi vụ tôi xuất bán khoảng 250 đến 300 tấn theo kiểu cầm chừng trong khi trước đây xuất bán khoảng 5.000 đến 6.000 tấn. Bây giờ cá ở ao tôi đã 650 gram chuẩn bị xuất bán nên chẳng cần phải mua chịu thức ăn. Trong khi trước đó cần vay vốn với lãi suất ưu đãi chẳng ai cho vay nên bắt buộc phải vay với lãi suất hơn 13%/năm”.

Theo ông Nguyên, hầu hết người nuôi cá tra đã “chết”. Tại xã Khánh Hòa, nơi từng là “vương quốc” nuôi cá tra, giờ chỉ còn 2 hộ nuôi, toàn huyện có khoảng 5 xã nuôi thì tính ra cũng chỉ còn có mấy hộ đều đang cầm cự bên bờ vực phá sản. Ông Nguyên vừa bán 3 ha ao nuôi cá tra cho DN với giá 2,5 tỷ đồng, chỉ bằng 50% so với vốn đầu tư; nhiều hộ nuôi cá trong khu vực cũng bắt buộc phải bán ao với giá rẻ vì thua lỗ kéo dài.

Theo nhiều người nuôi cá, việc hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi, bán chịu tiền thức ăn chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi nếu giá bán cá tra cứ dưới mức giá thành như hiện nay thì không còn người nuôi cá nhỏ, lẻ nào có thể “sống sót” được.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều có vùng nuôi để khép kín từ khâu nuôi đến chế biến. Thậm chí một số công ty vùng nuôi đã đáp ứng 90 đến 95% nhu cầu chế biến. Việc thu mua cá tra ở các hộ nuôi chỉ mang tính chất “giao lưu”. Vì vậy, trong tình cảnh như hiện nay, chẳng còn nông dân nuôi nhỏ lẻ nào có thể vượt qua khó khăn khi giá bán vẫn tiếp tục dưới mức giá thành.

Ngọc Long Pháp luật Việt Nam