TIN THỦY SẢN

“Cơn lốc” ly hương ở miền Tây: Khi người già là lao động chính

Bà Trần Thị Cúc đang trở thành lao động chính trên gần 10.000m2 nuôi trồng thủy sản của gia đình. Ảnh: P.V Hoàng Hạnh

"Cơn lốc" di dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiều năm qua mang theo gần như tất cả những người trong độ tuổi lao động ở các vùng nông thôn. Làng quê vắng bóng trai tráng khiến nhiều người già trở thành lao động chính.

Hơn 70 tuổi vẫn là lao động chính

Như bao gia đình nghèo khó khác ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, vợ chồng ông Lý Thiện (64 tuổi) cũng đang chăm sóc cho bốn đứa cháu ngoại, đứa lớn nhất 11 tuổi, đứa nhỏ nhất chỉ mới học mẫu giáo.

Nhà ông Thiện chỉ có gần 1.000m2 đất trồng hoa màu, nhưng diện tích đất hiếm hoi ấy bị nhiễm phèn mặn ngày càng nặng, không trồng trọt được thứ gì. Để có tiền nuôi các cháu, hơn ba năm qua, ông Thiện xin vào trông coi các đầm tôm nuôi công nghiệp cho người dân trong vùng, với đồng lương gần 5 triệu đồng mỗi tháng.

Vợ ông Thiện, bà Trà Sa Khuôl chia sẻ: "Ba mẹ của bọn trẻ, mỗi tháng dành dụm gửi về 4 triệu đồng, cộng với tiền lương của ông ngoại tụi nó cũng sống đủ mỗi tháng".

Bà Khuôl cho biết thêm, tuy vậy, số tiền này chỉ đủ nuôi sống 6 miệng ăn, và cho 4 đứa cháu đến trường, có tháng cháu ốm đau, vợ chồng bà phải chạy vay mượn thêm.

Khác với gia đình ông Thiện, nhà ông Lý Hên ở cách đó một con đường giao thông nông thôn trong ấp Nam Chánh có được 5.000m2, nhưng ông bảo, mấy năm nay ông phải bỏ ruộng hoang, vì không còn sức để canh tác.

"Mấy công đất giờ cỏ mọc um tùm, có cho thuê cũng không ai dám mướn vì không nuôi sống được tôm, cua gì" ông Hên nói với giọng trầm buồn của người nông dân phải chịu cảnh bỏ đất.

Hàng ngày, vợ chồng ông Hên đi làm thuê cho người dân quanh vùng theo kiểu, ai thuê gì làm nấy. Những ngày không có người thuê, vợ ông Hên đạp xe quanh xã Lịch Hội Thượng hỏi mua lại hoa màu của người dân rồi mang xuống chợ thị trấn bán lại kiếm lời.

"Có những đêm, vợ chồng tôi phải thức dậy từ lúc 2 giờ sang để chuẩn bị mớ rau, con cá cho kịp chợ nhóm họp vào sáng sớm, cực lắm. Nhưng giờ mình không làm thì lấy gì ăn, các con đâu còn đứa nào ở nhà"- bà Thạch Thị Tuốt, vợ ông Hên nói.

Ở vùng đất cuối trời Nam, bà Trần Thị Cúc (75 tuổi, ngụ ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cũng không thoát cảnh phải làm là trụ cột bất đắc dĩ của gia đình. Bà Cúc có 11 người con, nhưng có đến 10 người phải bỏ xứ đến Bình Dương làm thuê.

"Nhà chỉ có gần 10.000m2 đất nuôi tôm nhưng chỉ mình tôi trông coi, thu nhập hàng tháng cũng được vài ba triệu, đủ để tôi và hai đứa cháu sinh sống"- bà Cúc nói với giọng trầm buồn.

Thiếu hụt lao động mùa vụ tại địa phương

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, số người trong độ tuổi lao động đang làm việc ngoài tỉnh năm 2018 là 134.302 người, đến năm 2019 giảm xuống còn 124.711 người, nhưng trong năm 2020 thì tăng lên đột biến là 131.213 người.

Theo chính quyền địa phương, tình hình người lao động làm việc ngoài tỉnh năm 2019 và 2020 có giảm so với năm 2018, nguyên nhân là do tỉnh triển khai chính sách kêu gọi các doanh nghiệp về tỉnh đầu tư có quy mô sử dụng nhiều lao động, các địa phương tập trung đào tạo nghề, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong tỉnh, hạn chế một phần người lao động rời địa phương đi làm việc ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, số lượng lao động đi làm việc ngoài tỉnh giảm không đáng kể do thu nhập của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao, chưa thu hút người lao động.

Về mặt tích cực, khi một lượng lớn lao động nông thôn rời địa phương đi làm việc ngoài tỉnh, giải quyết được việc làm ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống của người lao động ở nông thôn. Đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn theo hướng tích cực, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp giải phóng sức lao động con người cùng với việc áp dụng những thành tựu của khoa học lĩnh vực nông nghiệp vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là ngày càng có nhiều lao động rời địa phương đi làm việc ngoài tỉnh gây thiếu hụt lao động theo mùa vụ tại địa phương, nguồn nhân lực bị thiếu hụt khi nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong tỉnh tăng.

Theo đó, để giải quyết vấn nạn di dân, thu hút nguồn lao động đang ở ngoài tỉnh về địa phương làm việc, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, tỉnh Sóc Trăng cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thu hút lao động như: Hỗ trợ đào tạo nghề cung ứng theo nhu cầu; chính sách miễn, giảm thuế; đầu tư xây dựng những thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp, khu vực có nhiều lao động làm việc; hỗ trợ nhà ở…

Tại Cà Mau, nếu như số lao động ra ngoài tỉnh làm việc năm 2014 là 14.900 người, thì đến năm 2019 đã tăng lên trên 20.000 người. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết, tuy trong năm 2020, số người lao động ở địa phương ra ngoài tỉnh làm việc có giảm xuống còn 18.500 người, nhưng vẫn chưa phải là tín hiệu vui, vì nguyên nhân chính của tình trạng sụt giảm này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo ông Thanh, ngành chức năng Cà Mau đang tích cực quy hoạch, chuyển đổi lại sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế để giữ chân người lao động ở các địa phương.

Ông Thanh cũng nhìn nhận việc người hết tuổi lao động đang ở các vùng nông thôn hiện tại vẫn chưa gây tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song, về lâu dài, Cà Mau cần có một giải pháp tổng thể để đảm bảo bức tranh kinh tế nông thôn từng bước đi lên; cũng như tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, tạo sự kết nối nhằm làm tăng hiệu quả sản xuất để giữ chân người lao động tại các vùng quê ở lại làm ăn, sinh sống ổn định.

Hoàng Hạnh Nông nghiệp Việt Nam