Con tôm hữu cơ - đạt chuẩn để vươn tầm quốc tế
Hạn mặn sẽ tác động nặng nề và để lại “di chứng” lâu dài đối với khu vực duyên hải các tỉnh Tây Nam. Nhưng nếu có được công tác quy hoạch khoa học, phù hợp với các loại cây, con theo mùa, sẽ biến hạn mặn thành một lợi thế trong sản xuất nông nghiệp.
Đi theo đại lộ Xuyên Á dọc qua các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, chúng tôi thấy nổi bật hàng ngàn hecta mô hình lúa- tôm, tôm- rừng ngập mặn ở quy mô lớn đang tạo ra nguồn nguyên liệu xuất khẩu sạch, ổn định.
Mùa mưa sẽ đưa cây lúa xuống, khi thu hoạch lúa xong bước vào mùa nắng hạn, nông dân xả nước mặn vào và con tôm giống tự nhiên theo đó vào ruộng. Hai vụ lúa- tôm cũng vừa hỗ trợ cho nhau chế độ dinh dưỡng, cải tạo đất rất tốt.
Đến tỉnh Cà Mau để tìm hiểu về ngành nông nghiệp của vùng đất chịu ảnh hưởng lớn với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Ở đây, người dân đã được định hướng phát triển mô hình nuôi tôm sinh học trên cùng một diện tích sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hoàn toàn thuận theo thiên nhiên…
Theo ông Nguyễn Trần Thức- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Cà Mau): “Hiện nay, đối với các vùng đất phù hợp cho cả việc trồng lúa và nuôi tôm hoặc nuôi ven rừng phòng hộ, chúng tôi khuyến khích nông dân tham gia vào mô hình sản xuất tôm- lúa, tôm- rừng.
Đây là mô hình tối ưu giúp cho cả đất, cây lúa và con tôm đều khỏe mạnh, đặc biệt là mô hình tôm- lúa vì luôn phụ trợ nhau phát triển, hoàn toàn không dùng bất kỳ loại hóa chất, thuốc thực vật, thuốc hóa học nào can thiệp quá trình sinh trưởng”.
Ông Dương Vũ Phong- nhân viên kỹ thuật Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú (thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú)- cho biết: Hiện nay, dự án lúa- tôm để sản xuất con tôm sinh học đã triển khai được khoảng 400ha với 89 hộ tham gia.
Về lý do thành lập doanh nghiệp xã hội, ông cho biết, nghề nuôi tôm hiện nay vẫn dựa trên nông hộ là chính, diện tích nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cả về vốn lẫn khoa học kỹ thuật,…
Doanh nghiệp xã hội ra đời là cách liên kết nông hộ nhỏ lẻ thành một tập thể sản xuất hàng hóa lớn hơn, tạo thành một “ao nuôi lớn” cho doanh nghiệp. Theo mô hình này, con tôm có giá trị cao hơn 25- 30% so với nuôi thông thường. Giá hiện nay khoảng 150.000 đ/kg tôm, mỗi hecta đạt khoảng 500kg tôm, đó là chưa kể lúa thu hoạch cũng đạt năng suất và chất lượng cao.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Linh- cán bộ nông nghiệp xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình- Cà Mau) cho biết, mô hình tôm- lúa được nông dân áp dụng từ những năm gần đây. Hiện toàn xã có khoảng 4.000ha sản xuất theo mô hình cho lợi nhuận kinh tế ổn định, môi trường được bảo vệ lâu dài.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thực hiện vùng nuôi tôm hữu cơ từ năm 2013 và năm 2014 đạt chứng nhận Naturland. Đến năm 2017, đơn vị chủ trương làm đa chứng nhận để sản phẩm đi nhiều thị trường khác nhau. Lần đầu tiên Việt Nam có một bộ quy chuẩn xuất khẩu tôm đa quốc gia được thế giới công nhận.
Điều đó củng cố niềm tin để chúng ta tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ lớn khai thác tiềm năng kinh tế của vùng đất ngập mặn biển Tây, cũng là cơ hội đưa nông dân lên vị thế mới.
Đây chỉ là một góc nhìn nhỏ trong công tác quy hoạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật đánh thức vùng tài nguyên đất ngập mặn nơi cuối trời phương Nam.
Trên cung đường chúng tôi đi qua, đại lộ Xuyên Á đã kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm với diện tích tiềm năng có thể khai thác con tôm hữu cơ lên đến hàng trăm ngàn hecta, rộng ra là cả vùng duyên hải ven biển Đông và biển Tây của đồng bằng.
Cùng với đó, một vấn đề vô cùng quan trọng mà theo TS. Nguyễn Văn Kiền (Việt kiều Úc)- thành viên sáng lập Organic Mekong, sau chuyến khảo sát này ông sẽ có bài viết khoa học giúp thế giới có cái nhìn khác về con tôm Việt Nam, mà bao lâu nay họ chưa có niềm tin và cái nhìn thiện cảm, một phần cũng do cách thức làm ăn của chúng ta chưa thật sự chuyên nghiệp lắm khi bước vào sân chơi lớn.
Một bài học từ tỉnh Bạc Liêu, chúng ta cần có quy hoạch “chiều sâu”, phân tầng để có điều chỉnh cây, con phù hợp cho từng lớp địa chất, địa lý như: vùng ven biển, ngập mặn, nhiễm mặn, nước lợ, vùng ngọt… chủ động ngay trong điều kiện thời tiết, khí hậu biến đổi bất thường.
Ths. Lâm Thái Xuyên- Giám đốc Công ty CP Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú
Từ năm 2002, khái niệm “tôm sinh thái” hay “tôm hữu cơ” dần được dùng phổ biến ở Cà Mau và Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, vùng nuôi tôm sú hữu cơ được phát triển nhiều với sự tham gia của 4 công ty thủy sản là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Camimex, Seanamico và Casep. Ngoài tiêu chuẩn Naturland, các doanh nghiệp mở rộng thêm các tiêu chuẩn Organis EU, Bio Suisse, Selva Shrimp…
Trích từ XÂY DỰNG NỀN NÔNG NGHIỆP "LƯƠNG THIỆN" của nhóm PV báo Vĩnh Long.