Con tôm và niềm vui nhân đôi
Hiện bà con nuôi tôm vùng ĐBSCL đang đón nhận niềm vui "kép” khi dịch bệnh của tôm dường như không còn, trong khi đó giá tôm cao nhất từ đầu năm tới nay.
Giá tôm lên cao
Từ đầu năm đến nay, giá tôm nguyên liệu liên tục tăng, luôn duy trì ổn định ở mức cao. Trong nửa đầu tháng 8, giá tôm nguyên liệu được các nhà máy chế biến ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang mua vào tăng thêm từ 6.000-10.000 đồng/kg, nâng giá lên cao ở mức kỷ lục. Cụ thể, tôm sú loại 40 con có giá 150.000-155.000 đồng/kg, loại 30 con giá 205.000-210.000 đồng/kg, loại 20 con giá 250.000 đồng/kg. Đặc biệt tôm cỡ lớn từ 8-10 con/kg có mức giá khủng là 450.000-460.000 đồng/kg.
Hiện nay đang là thời điểm cuối vụ thu hoạch tôm nuôi quảng canh, sau đó người dân tiến hành rửa mặn cho đất để gieo sạ lại vụ lúa. Năm 2012 tôm bị dịch bệnh, số lượng tôm thu hoạch không còn nhiều, số còn lại chủ yếu là tôm cỡ lớn nên nông dân bán được giá rất cao. Điển hình như ông Nguyễn Văn Mừng, ở ấp Bảy Xáng, xã Đông Hòa, An Minh, Kiên Giang có 2 ha đất sản xuất theo mô hình tôm-lúa. Mới đây vét vuông để cải tạo lại, gia đình ông thu hoạch được gần 100 kg tôm cỡ lớn, loại 20 con/kg. Ông Mừng hồ hởi nói: " Thời điểm này người nào neo tôm lại mà bán là đúng "sách”, giá cao kỷ lục. Số tôm sót lại để cải tạo lại vuông mà thu nhập cũng được gần 25 triệu đồng”. Theo ông Mừng, do giá tôm tăng cao nên vụ tôm này với 2 ha gia đình ông thu nhập được gần 300 triệu đồng, trừ chi phí chắc còn lãi trên dưới 250 triệu đồng. Mặc dù thu nhập của tôm gấp cả chục lần lúa, nhưng ông Mừng cũng không bỏ lúa mà kết hợp cả hai, "đây là mô hình khá bền vững”, ông Mừng nói.
Về xã Nam Thái, An Biên, Kiên Giang nghe người dân ở đây nói về vụ tôm năm nay mà thấy ham, vừa trúng mùa vừa trúng giá. Được Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II) hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khoảng 50 hộ dân nơi đây cùng thả nuôi tôm theo hình thức quản lý cộng đồng, đã mang lại hiệu quả cao... ông Tư Diễn (Võ Văn Diễn) là một trong số những hộ dân ở xã Nam Thái, tâm sự: Với 30 công ruộng thả nuôi tôm quảng canh, gia đình tôi thu hoạch được trên 1 tấn tôm, thu nhập được gần 250 triệu đồng. Nhờ vụ tôm này cộng với tiền tích góp mà "lão nông” Tư Diễn đã trả hết tiền vốn, còn tậu được căn nhà tường khang trang trên 300 triệu đồng”.
Về với vùng tôm không còn thấy cảnh ảm đạm như trước, không khí phấn khởi đã trở lại với bà con. Không riêng tôm sú mà tôm thẻ chân trắng thời gian qua giá cũng tăng cao ngất ngưởng từ trước tới nay. Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay giá tôm TCT đã tăng thêm gần 30.000 đồng/kg. Cụ thể TCT loại 100 con hiện có giá 105.000-110.000 đồng/kg, loại 70 con giá 125.000-130.000 đồng/kg, loại 50 con 136.000-142.000 đồng/kg.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang, vụ tôm nước lợ 2013, toàn vùng U Minh Thượng thả nuôi được 78.615 ha, sản lượng thu hoạch đạt 15.750 tấn, địa phương có diện tích thả nuôi nhiều là huyện An Minh gần 41.000 ha, Vĩnh Thuận trên 20.000 ha… Từ đầu năm 2013 đến nay, người nông dân nuôi tôm gặp không ít khó khăn. Đặc biệt do thời tiết diễn biến phức tạp, những cơn mưa lớn trái mùa thường xảy ra, kết hợp với nắng nóng kéo dài làm cho môi trường nuôi biến động mạnh, gây thiệt hại nhiều tới diện tích nuôi tôm trong vùng. Mặc dù trước những khó khăn như vậy nhưng người dân ở đây vẫn kiên trì bám trụ, do đó khi môi trường ổn định trở lại, nông dân lại tiếp tục thả nuôi, nhiều kết quả nhiều hộ đã đạt được năng suất khá cao.
Ông Huỳnh Văn Hòa, ở ấp Thuồng Luồng, xã Thuận Hòa, An Minh cho biết, đã kết hợp 3 ha đất làm mô hình tôm lúa, mỗi năm cho thu nhập từ 170-180 triệu đồng. Ông Hòa nói: "Mặc dù thời gian qua con tôm cũng có lúc này lúc khác, cũng có giai đoạn dịch bệnh nhưng nhìn chung, vụ nào khó khăn lắm thì cũng có lời lời từ 5 triệu đồng/ha trở lên. Nếu chỉ chăm vào cây lúa như vài năm gần đây thì chỉ có chết đói”.
Tìm cách phát triển ổn định, bền vững
Giá tôm cao như thời gian qua là một tín hiệu vui, nhưng bên cạnh đó các địa phương cũng lo lắng về công tác quả lý vùng nuôi và xử lý dịch bệnh. Ở Sóc Trăng mặc dù khung lịch mùa vụ theo khuyến cáo đã hết kể từ ngày 31-7, nhưng việc thả nuôi vẫn đang diễn ra tại các vùng nuôi. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, tỉnh này vẫn còn hơn 30.000ha tôm chưa thu hoạch với đủ mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có mưa bão nhiều, kéo theo môi trường rất dễ biến động, nên rủi ro cho tôm nuôi sẽ lớn. Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng phân tích: "Tôm nuôi là đối tượng rất mẫn cảm với biến động của thời tiết và môi trường nuôi. Mặt khác, Hội chứng EMS tuy có giảm nhưng vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả”. Ông Khởi khuyến cáo thêm: "Môi trường vẫn là vấn đề cơ bản nhất của nghề nuôi tôm nước lợ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh một số vùng đã nuôi trên 20 năm, nên môi trường ở khu vực này cũng khá phúc tạp. Vì vậy, việc hạn chế ô nhiễm môi trường thông qua giảm mật độ thả nuôi, giảm vụ nuôi, kết hợp với tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới là hết sức cần thiết”.
Thời gian qua, việc người dân kết hợp vùng nuôi lúa tôm đã mang lại những kết quả rất khả quan và trên thực tế việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh hay quảng canh cải tiến xen kẻ với mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh đã được một số nước như Mêhicô hay Malaixia thực hiện rất thành công.
Các nhà quản lý và nhà khoa học mong muốn nhà nước cần sớm điều chỉnh các văn bản pháp lý các địa phương và ngành thuận lợi trong công tác chỉ đạo, quản lý vùng nuôi, dịch bệnh để ngày càng phát triển ổn định bền vững nghề nuôi tôm.