Công nghệ "nâng bước" ngành thủy sản
Những năm gần đây, các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung đã quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, khảo sát nguồn lợi thủy sản cũng như ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến để ngành thủy sản trong khu vực phát triển nhanh và bền vững.
Công nghệ giúp tăng sản lượng, thu nhập
Diễn đàn khoa học công nghệ thủy sản năm 2018 khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại TP.Đà Nẵng cuối tuần qua đã tổng kết, đánh giá nhiều vấn đề nổi bật về phát triển ngành thủy sản của khu vực.
Viện Nghiên cứu hải sản là một đơn vị khá nổi bật trong chuyển giao công nghệ khai thác cho ngư dân cả nước nói chung và ngư dân duyên hải miền Trung nói riêng. Các công nghệ khai thác: chụp mực 4 tăng gông, ứng dụng tời thủy lực trên tàu chụp mực, lưới vây kết hợp máy dò cá ngang, lưới rê hỗn hợp… đã giúp ngư dân tăng năng suất gấp 2 đến 3 lần, lợi nhuận tăng lên đáng kể, rút ngắn thời gian thu, thả lưới (tăng được 2 đến 3 mẻ/đêm)…
Ông Phan Đăng Liêm (Viện Nghiên cứu hải sản cho rằng), việc chuyển giao ứng dụng công nghệ cho ngư dân vừa giúp tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, quá trình lao động của ngư dân cũng an toàn hơn trong khi đội ngũ tàu khai thác cũng dần được đồng bộ và cơ giới hóa thay vì thô sơ như trước đây.
Trong khi đó, Đại học Nha Trang - tiền thân là Đại học Thủy sản cũng có nhiều hỗ trợ đắc lực cho ngư dân, nhất là ngư dân các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Hệ thống đèn LED sử dụng trong nghề lưới vây các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận… giúp lợi nhuận trung bình của chuyến biển cao hơn khoảng 20% so với tàu sử dụng đèn MH; nghề câu vàng khai thác mực tầng đáy ở Quảng Nam, Bến Tre, Khánh Hòa tăng năng suất và giảm đáng kể chi phí khai thác. Sản phẩm lồng bẫy cải tiến cũng được triển khai cho ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa…
Về công nghệ bảo quản để tăng hiệu quả sau khai thác, theo ông Hidenao Wanatabe - chuyên gia thủy sản JICA: “Cần phải giữ cẩn thận, sạch sẽ, giữ lạnh và sử dụng phương pháp chính xác đối với thủy, hải sản khai thác được vừa giúp tăng năng suất vừa giúp người tiêu dùng có sản phẩm chất lượng”. Đơn cử như trường hợp con mực, ông Hidenao Watanabe cho rằng mực nên được cấp đông ngay sau khi thu hoạch hoặc là bị giết ngay lập tức, làm mát bằng đá để giữ chất lượng tốt nhất có thể.
Chú trọng tính bền vững
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Thời gian qua, các địa phương trong khu vực đã chủ động hợp tác với các đơn vị có chuyên môn để khảo sát nguồn lợi thủy sản của tỉnh, thành mình để đưa ra cơ chế, hướng đi hợp lý nhằm phát triển ngành thủy sản thay vì dựa hoàn toàn vào Bộ NN&PTNT như trước kia”.
Hiện nay, Quảng Nam cũng đã hợp tác với Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện đề tài cấp nhà nước về nghiên cứu nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2016 - 2018. TS. Khổng Trung Thắng - Phó Hiệu trưởng Đại học Nha Trang cũng thông tin: “Hiện tại trường đang hợp tác nghiên cứu với tỉnh Quảng Nam để thả rạn nhân tạo để phục hồi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ”.
Người dân nuôi thủy sản cần sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý để bảo vệ môi trường. Ảnh: Q.T
Thực trạng nuôi tôm trên cát sử dụng nước ngầm tràn lan gây thất thoát nguồn nước và ảnh hưởng lớn đến môi trường tại nhiều địa phương miền Trung cũng là vấn đề được thảo luận tại diễn đàn. Ông Nguyễn Văn Lung (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) thông tin: “Giai đoạn 2014 - 2016 trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP tại nhiều tỉnh ven biển miền Trung với quy mô khoảng 22ha và thu được kết quả tích cực”.
Qua so sánh hiệu quả trung bình, mô hình theo hướng VietGAP tính trên quy mô 1ha giá trị kinh tế tăng hơn 39% so với mô hình không VietGAP. Dù VietGAP là hướng đi tất yếu của nghề nuôi tôm nước lợ nhưng người dân vẫn đưa ra nhiều lý do khiến mô hình này khó áp dụng như: không có hệ thống ao chứa, cấp tiến, tăng chi phí ban đầu khi áp dụng mô hình, giá tôm thất thường…