TIN THỦY SẢN

Công nghệ nuôi biển: Nuôi đặc sản cá chim vây vàng bằng lồng Na Uy

Mô hình nuôi biển theo công nghệ hiện đại của Na Uy. Trần Cao

Nuôi biển đối với các tỉnh Nam Trung Bộ là một hướng đi cần biến thành chiến lược quốc gia khi địa lý hiếm nơi nào sánh được: Bờ biển dài, nước trong sạch, độ mặn phù hợp, nhiệt độ các mùa ít chênh lệch, nhiều vịnh sâu và kín gió…

Lồng nhựa HDPE lắp ráp theo công nghệ Na Uy độ bền tối thiểu 50 năm dưới biển sâu chống chịu được bão cấp 12. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (sau đây gọi tắt là Viện I) đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Công nghệ đang được áp dụng nuôi đặc sản cá chim vây vàng trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và đang được chuyển giao cho một số doanh nghiệp trong, ngoài nước…

Sau nửa giờ đi ca nô chúng tôi có mặt khu vực nuôi cá lồng công nghệ Na Uy của Viện I. Vịnh Vân Phong đẹp nức tiếng hiện ra như trong cổ tích. Cả vùng vịnh 80.000ha mặt nước biển được che chắn bởi vô số đảo lớn nhỏ rất kín gió nước trong xanh quanh năm lại đối lưu tốt nên vô cùng thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Con tôm hùm lồng ở Vân Phong nay đã thành một thương hiệu. Các loài đặc sản cá song, cá bớp, cá vược… đều đã được người dân làm chủ công nghệ nuôi. Toàn vịnh có đến hàng nghìn lồng nuôi biển, dân giàu lên từ nghề nuôi này.

Khu vực nuôi cá lồng của Viện I rộng 10ha, gồm 20 lồng tròn nuôi cá chim vây vàng thương phẩm và một số lồng vuông nuôi cá giống bố mẹ, nuôi thử nghiệm một số loài đặc sản khác. Lồng được sản xuất bằng chất liệu nhựa chịu lực kết nối với nhau và với neo giàn. Hệ thống cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ nơi môi trường nước trong sạch, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh.

Chọn tạo giống tôm sú bố mẹ là một hướng đi đúng cùng nhiều lợi thế của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và Viện đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ. Năm 2018 Viện I sản xuất được 20.000 con giống tôm sú bố mẹ và kế hoạch năm 2019 sản xuất 30.000 con. Trị giá mỗi cặp tôm sú bố mẹ lên tới hàng trăm USD.

Anh Phạm Đức Phương, chuyên gia kỹ thuật của Viện I cho biết Viện đã hoàn toàn tự lắp đặt lồng nuôi theo công nghệ Na Uy với giá thành chỉ trên 300 triệu đồng đối với lồng tròn thể tích 2.500m3, rẻ bằng 1/3 so với nhập khẩu.

Phương được xem là chuyên gia nuôi biển số 1 Việt Nam hiện nay. Anh từng chỉ huy lắp hàng chục lồng nuôi công nghệ này cho một công ty của Malaysia.

Phương nói việc chuyển giao có thể làm trọn cả gói: Từ thiết kế trang trại nuôi biển, lắp đặt lồng, cung cấp giống, công thức thức ăn, quy trình nuôi…

Với cách làm đó, các anh đã chuyển giao thành công cho một doanh nghiệp nuôi biển ở Phú Quốc – Kiên Giang nuôi 4 lồng, sắp tới nâng quy mô lên 8 lồng.

Một doanh nghiệp khác ở Quảng Ninh đang nhờ Viện thiết kế trang trại nuôi. Các công ty của Myanmar và Campuchia cũng đang hợp tác với Viện để được chuyển giao công nghệ nuôi biển hiện đại này.

Lồng thiết kế chịu được bão cấp 12, thực tế siêu bão Damrey càn qua vịnh Vân Phong hồi đầu tháng 11/2017 gió giật cấp 14 - 15 đánh tan nát mọi lồng bè thông thường thì hệ thống lồng của Viện I vẫn chống chịu được, không bị hư hỏng, chỉ bị xê dịch đôi chút do nước cuốn các bè tôm cá khác xô đập vào.


Trang trại nuôi biển của Viện I cho sản lượng 200 - 250 tấn/năm

Giữ lồng là hệ thống 4 cục neo mỗi cục nặng 4 tấn. Chu vi lồng 60m với khung là hệ thống ống nhựa HDPE không bị ăn mòn, gỉ sét, độ uốn dẻo cao nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp địa hình gồ ghề hay gấp khúc. Lồng có hai lớp lưới, lớp ngoài siêu bền và hệ thống lưới được thay dọn vệ sinh định kỳ dễ dàng. Khoảng cách giữa các lồng tối thiểu 100m để đảm bảo mật độ phù hợp không gây ô nhiễm. Đây là mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn VietGAP.

Theo PGS.TS Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, chỉ khi quản lý được chất lượng, sản phẩm có độ đồng đều cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thì mới có cơ hội xuất khẩu vì thị trường ngày một khắt khe. Trang trại nuôi biển của Viện cho sản lượng 200 - 250 tấn/năm, nhờ quản lý nuôi tốt phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và các nước Trung Đông…

Đối tượng nuôi lồng công nghệ Na Uy dĩ nhiên cần chọn con đặc sản để đảm bảo giá trị kinh tế. Như tại Phú Quốc doanh nghiệp chọn nuôi cá hồng mỹ, tại Quảng Ninh người nuôi lại lựa chọn cá chẽm kết hợp cá chim.

Tại trại nuôi trên vịnh Vân Phong, Viện I lựa chọn nuôi thuần cá chim vây vàng. Đây là loài đặc sản Viện hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất giống, công thức phối trộn thức ăn cũng được Viện tối ưu hóa dần rồi đặt hàng doanh nghiệp sản xuất. Cá chim vây vàng có lợi thế chất lượng thịt thơm ngon, ngoài tự nhiên hiếm, kích thước và trọng lượng thương phẩm vừa phải trên dưới 600g mỗi con phù hợp với gia đình nhỏ dùng trong một bữa ăn không bị thừa vì thế rất dễ tiêu thụ.


Thu hoạch cá chim vây vàng nuôi lồng công nghệ Na Uy.

Mô hình nuôi cá chim bằng lồng nhựa theo công nghệ Na Uy được hình hành từ năm 2012, đặt ở vịnh Vân Phong thông qua dự án nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển Việt Nam do Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy, sau này là World Bank, tài trợ. Mô hình phục vụ tập huấn, đào tạo và diễn đàn công nghệ nuôi lồng biển. Đồng thời triển khai các thử nghiệm, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nuôi biển theo quy mô công nghiệp.

Hiện tại Viện I sản xuất mỗi năm trên 1 triệu con giống cá chim vây vàng để nuôi thương phẩm và chuyển giao cho dân nuôi. Công nghệ nuôi của Viện đạt đến trình độ tuyệt đối không dùng kháng sinh trong quá trình nuôi vẫn đảm bảo cá khỏe mạnh, hao hụt thấp, tỷ lệ sống thường đạt trên 75%, có mẻ đạt trên 90% so từ lúc thả đến cuối vụ nuôi kéo dài 6 - 7 tháng. Từ số lượng cá thả nuôi cho đến giám sát sức khỏe từng con gần như được kiểm soát hoàn toàn.

Tính toán của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I thì giá thành nuôi cá chim vây vàng bằng lồng công nghệ Na Uy bao gồm cả khấu hao lồng và tàu thu hoạch, vận chuyển cá, vào khoảng 80 - 85 nghìn đồng/kg, trong khi giá bán cá tại bờ ổn định 125 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 1/3 doanh số, khá ổn định, rủi ro thấp.

Điều bà Vân còn trăn trở là chi phí công nghệ nuôi này khá lớn, riêng tiền lắp đặt lồng nếu với mô hình nuôi 4 lồng đã mất hơn 1 tỷ đồng chưa kể sắm tàu đi lại chuyên chở thức ăn và thu hoạch sản phẩm, vì thế chỉ có doanh nghiệp hoặc các hợp tác xã mới đủ sức tiếp nhận công nghệ.

Nỗ lực của Viện I là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công thức thức ăn tối ưu hơn nữa để giảm hệ số thức ăn, hạ giá thành; đồng thời tiếp tục nghiên cứu nội địa hóa thiết bị lắp đặt lồng kéo giá xuống thấp hơn thì mô hình nuôi này mới nhanh ra được diện rộng.

Sau cá chim vây vàng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đang hướng đến một đối tượng nuôi mới là cá bè vẫu. Đây là loài đặc sản biển sản lượng khai thác không đáng kể, hiện giá bán tại biển của ngư dân tới 200 nghìn đồng/kg.

Viện I đã thu thập được đàn cá bè vẫu bố mẹ, sẵn sàng nghiên cứu cho đẻ tiến tới nuôi thương phẩm được.


Bảo quản cá ngay sau thu hoạch

Cá bè vẫu chu kỳ nuôi khá dài, bù lại nuôi 15 tháng có thể đạt trọng lượng 2 - 3kg và sau 2 năm nuôi sẽ đạt 4kg. Các nhà khoa học Viện I đang đặt nhiều kỳ vọng vào đối tượng nuôi mới này.

Trần Cao NNVN