TIN THỦY SẢN

Công nghệ nuôi cá mú hiệu quả ở Sầm Sơn

Mô hình nuôi cá mú sử dụng hệ thống máng khí của ông Kế. Lê Ngọc

Sau nhiều năm gắn bó với công việc đi biển, ông Nguyễn Sĩ Kế trở về, quyết tâm vay vốn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá mú tại phường Quảng Cư. Ông đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để áp dụng khoa học công nghệ vào mô hình này.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình nuôi, ông Kế cho biết: “Lựa chọn nuôi cá mú được xem là quyết định “liều lĩnh” của gia đình tôi, bởi đây là loại cá cần nhiều thời gian chăm sóc, chỉ phát triển tốt trong môi trường nước mặn; cần phải theo dõi hằng ngày để điều chỉnh độ mặn, nhiệt độ, độ pH,... để không ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của cá”. Bên cạnh đó, việc áp dụng KHKT vào nuôi cá mú cũng mất khá nhiều thời gian, chi phí. Theo ông Kế, ban đầu phải cải tạo lại ao đạt độ sâu khoảng 2,5m. Trên diện tích gần 2 ha, ông lắp đặt hệ thống máng khí, hai đầu máng có cổng chắn bằng lưới thép không rỉ để ngăn giữ cá. Ở đầu máng được lắp đặt hệ thống máy thổi khí nén, tạo dòng chảy liên tục một chiều theo chiều dài của máng và hệ thống máy sục để điều hòa oxy trong ao.

Hệ thống máy này giúp ông không phải thay nước, tránh hiện tượng lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, ông đầu tư xây dựng bể xi măng để nuôi cá giống trước khi thả ra ao để cá quen với môi trường nước. Toàn bộ chi phí đầu tư ứng dụng KHKT của mô hình khoảng gần 1 tỷ đồng. Trong quá trình nuôi, công tác chăm sóc được thực hiện đúng theo quy trình, thức ăn được sử dụng hoàn toàn bằng cá tươi, không sử dụng kháng sinh, nên con nuôi có tỷ lệ sống trên 75%. Vừa qua, số cá đạt tiêu chuẩn về cân nặng và chất lượng đã được ông thu hoạch, sản lượng hơn 1 tấn, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng.

Theo ông Bùi Ngọc Thành, Trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP Sầm Sơn, diện tích NTTS ở địa phương là hơn 120 ha và chủ yếu ở các phường Quảng Thọ, Quảng Châu, Quảng Cư. Con nuôi chủ yếu là tôm, cua, cá vược... Thời gian qua, trước tình hình thời tiết và môi trường ngày càng có nhiều biến động bất lợi nên việc đưa KHKT vào NTTS là điều cần được triển khai rộng rãi. Một số ứng dụng điển hình được người dân đưa vào áp dụng, chủ yếu như: Sử dụng chế phẩm sinh học giúp cải thiện môi trường nuôi vừa tạo nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần tái sử dụng dinh dưỡng từ chất thải của con nuôi, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường.

Bên cạnh đó, đầu tư công nghệ máy quạt nước trong các ao nuôi nhằm làm tăng hàm lượng oxy trong ao, giúp cho con nuôi ổn định thể chất do được cung cấp oxy hòa tan trong ao nuôi; các loại máng lọc, hệ thống giàn khí nén. Đồng thời, ứng dụng KHKT vào NTTS đối với các mô hình nuôi xen ghép nhiều đối tượng đã nâng cao giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích và làm sạch môi trường nước... Có thể nói, việc ứng dụng KHKT đã làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của người dân. Các mô hình được đầu tư ứng dụng KHKT đã tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi khoảng 30% so với các biện pháp nuôi thông thường. Tuy nhiên, đa phần các hộ nuôi có quy mô nhỏ, sự liên kết sản xuất chưa cao nên việc ứng dụng KHKT còn gặp nhiều khó khăn.

Lê Ngọc Báo Thanh Hóa