TIN THỦY SẢN

Công tác phòng chống dịch bệnh thuỷ sản: Không thể lơ là, chủ quan

Đầm nuôi tôm của ông Tô Văn Sẹc tại thôn Sán Xế Nam, xã Đông Ngũ (Tiên Yên). Dương Trường

Theo đánh giá của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh thuỷ sản có nhiều diễn biến phức tạp, tuy có giảm hơn so với năm 2012, nhưng một số dịch bệnh xuất hiện trong giai đoạn cuối tháng 5-2013, ở trên địa bàn huyện Tiên Yên với diện tích trên 600ha tôm sú tại xã Hải Lạng gây thiệt hại cho 311 hộ dân; trong tháng 6, dịch bệnh bùng phát tại phường Hà An (TX Quảng Yên) đã có 966.000 con tôm giống từ 45-70 ngày tuổi bị chết; dịch bệnh trên tu hài do nhiễm Perkinsus vẫn xảy ra rải rác tại các hộ nuôi mới ở huyện Vân Đồn; bệnh đốm trắng và vi khuẩn ở tôm thẻ chân trắng bị chết tại huyện Đầm Hà. Ngoài ra, một số lượng cá lồng bè bị chết ở Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái... chưa phát hiện nguyên nhân cụ thể.

Trước tình hình dịch bệnh xảy ra, Chi cục Thú y đã cử cán bộ chuyên môn xuống trực tiếp điều tra khảo sát lấy mẫu phân tích để xác định liệu pháp dập dịch, tiến hành đóng cống không cho xả thải nước trong ao đang bị ô nhiễm chưa qua xử lý ra ngoài. Đồng thời cung cấp hoá chất với số lượng 7.000kg chất VICATO để xử lý (riêng huyện Đầm Hà và TX Quảng Yên là 510kg), đây là chất vừa tiêu diệt mầm bệnh, xử lý độ pH, làm cho môi trường nuôi ổn định trở lại.

Đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh thuỷ sản, ông Trần Xuân Đông, Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Dịch bệnh bùng phát thường có nhiều nguyên nhân xảy ra, hầu hết các vùng nuôi trồng hiện nay đều nằm trong vành đai đê bao biển, tức là cao trình nước biển lên xuống thường cao hơn nước ở trong ao, đầm. Sau vài năm nuôi do vấn đề quy hoạch không bài bản, nước ra vào lại không có kênh dẫn nước riêng để xử lý trước khi đưa vào nuôi. Còn nguồn nước thải sau nuôi chưa qua xử lý và không có hệ thống kênh để dẫn nước ra ngoài, hơn nữa việc thiết kế ao đầm không thể tháo cạn được với lý do nước ở ngoài luôn cao hơn mực nước ở trong ao. Bên cạnh đó, trong quá trình cho ăn các chất thải hữu cơ sau nhiều năm đã tích tụ lại thành một lớp hữu cơ dày đặc, về nguyên tắc, sau khi nuôi tôm phải làm sạch ao, tiến hành vét sạch mùn ở đáy để phòng ngừa dịch bệnh cho các đợt nuôi mới. Sau khi có dịch bệnh, người dân không thông báo với các ngành chức năng để phòng chống dịch mà tự ý xử lý, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng gây rất nhiều khó khăn cho công tác dập dịch. Một nguyên nhân khác là gần như 100% các hộ dân sử dụng giống tôm không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch. Hiện nay một số loại bệnh mới, có biểu hiện triệu chứng khác nhau, lại ở môi trường nước nên việc phát hiện sớm để xử lý gặp rất nhiều khó khăn, như bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm sú ở Tiên Yên vừa qua đã gây thiệt hại trên 600ha ao đầm. Nguyên nhân gây ra dịch bệnh chủ yếu trên địa bàn huyện Tiên Yên được xác định là do con giống đã ủ sẵn mầm bệnh, môi trường và quy trình nuôi không thực hiện đúng theo yêu cầu, người dân chủ quan với tâm lý “nuôi ăn may”. Vì vậy, khi gặp thời tiết mưa lớn, nước triều lên gây ra dịch bệnh”.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản, ông Đông cho biết thêm: “Chi cục Thú y đã khuyến cáo với người dân và các hộ nuôi tôm phải tiến hành nuôi theo hình thức luân canh với các đối tượng nuôi khác như: Cá đối mục, cá rô phi, cua… vì đây là loại ăn các chất dư thừa, chất thải ra từ vật nuôi để đảm bảo ao được sạch, tích cực thau rửa ao đầm khi mỗi vụ nuôi kết thúc. Chi cục cũng có văn bản chỉ đạo các Trạm thú y địa phương hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm ngặt quy trình mua bán con giống, khai báo nguồn gốc con giống trước khi thả, khi làm những thủ tục này nếu không may gặp dịch bệnh sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí con giống và hỗ trợ hoá chất. Ngoài ra Chi cục cũng có kế hoạch mở lớp đào tạo thú y viên, các chủ ao đầm về kỹ năng phòng chống dịch bệnh. Đề xuất với tỉnh đầu tư hỗ trợ các cơ sở ươm giống thuỷ hải sản trên địa bàn tỉnh để cung cấp con giống có chất lượng cho các hộ dân, đảm bảo ngăn ngừa nguồn gốc phát sinh dịch bệnh, giảm giá thành cho người dân”.

Để ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh được phát triển ổn định và trở thành ngành mũi nhọn, các ngành chức năng, và đặc biệt là các hộ nuôi trồng cần làm tốt công tác ngăn ngừa dịch bệnh.

Dương Trường Báo Quảng Ninh, 25/11/2013