TIN THỦY SẢN

COVID-19: Hải sản nằm dưới biển, nông dân ngồi trên lửa

Hàng chục nghìn tấn hải sản tại Quảng Ninh vẫn chưa tiêu thụ được. Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu Lã Nghĩa Hiếu

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục nghìn tấn hải sản đến ngày thu hoạch vẫn nằm dưới biển mà chưa tiêu thụ được, khiến ngư dân Quảng Ninh đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

“Ngồi trên đống lửa”

Những ngày vừa qua, đến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), không ai còn nhận ra một nơi vốn sầm uất về giao thương hải sản lại rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng có. Nếu cùng thời điểm này mọi năm, ngư dân đang tất bật thu hoạch, thì những ngày gần đây như đang “ngồi trên đống lửa” khi hàng chục nghìn tấn hải sản đến kỳ thu hoạch mà không ai đến hỏi mua.

Anh Nguyễn Văn Hùng (40 tuổi, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn) cho biết, hơn 1 năm nay, gia đình anh nuôi 5 vạn lồng ngao hai cùi, trên diện tích khoảng 4 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỉ đồng. Đã đến kỳ thu hoạch khoảng 3 tháng nay rồi, nhưng lượng tiêu thụ rất chậm, do đơn hàng từ phía Trung Quốc đều đã bị hủy.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đại lý đã tạm dừng thu mua do không xuất được hàng sang Trung Quốc. Nếu tình hình này kéo dài vài tháng nữa, thì ngao quá tuổi sẽ chết hàng loạt. Trong khi đó, để có được giống vụ này, gia đình tôi phải đi vay mượn khắp nơi tới hơn 2 tỉ đồng rồi”, anh Hùng rầu rĩ. Theo anh Hùng, mọi năm giá ngao hai cùi nếu bán buôn khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng đến nay, các hộ nuôi dù đã giảm giá xuống còn một nửa vẫn chẳng có tiểu thương nào đến hỏi mua.

Cũng nuôi khoảng 2 ha ngao hai cùi được hơn năm nay, gia đình anh Dương Văn Trường (38 tuổi, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn) cho biết, gia đình anh vay ngân hàng gần 2 tỉ đồng để mua giống, làm ô lồng nuôi được 3 vạn con, ước khoảng khoảng 50 tấn. Ngao đã lớn khỏe được vài tháng nay nhưng không có ai hỏi mua vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

“Hằng ngày, gia đình đành bán online với giá cắt lỗ còn khoảng 10.000 - 15.000/kg nhưng lượng tiêu thụ chẳng là bao. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua mau, nếu không, gia đình tôi không biết xoay sở ra sao để trả nợ, thậm chí lại mất thêm chi phí vệ sinh môi trường nếu ngao chết hàng loạt”, anh Trường chia sẻ trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng.

Trong khi đó, tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), người nuôi hàu ở đây cũng “đứng ngồi không yên” vì dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua khiến mọi thứ bị đình trệ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Tân An (thị xã Quảng Yên), chia sẻ sản phẩm hàu cửa sông của đơn vị được thị trường Trung Quốc ưa thích, mỗi năm thu hoạch khoảng 400 tấn. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, các đơn hàng từ phía Trung Quốc đều đã bị đóng băng, khiến doanh nghiệp đang bị tồn khoảng 2.000 tấn, chưa biết đến khi nào mới tiêu thụ hết.

Lên phương án "giải cứu"

Qua thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện trên địa tỉnh này còn khoảng 3.000 tấn ngao 2 cùi, 4.500 tấn hàu Thái Bình Dương, 5.000 tấn hàu cửa sông, 700 tấn tôm, 2.500 tấn thủy sản khai thác… tập trung chủ yếu tại các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Tiên Yên, Đầm Hà và thị xã Quảng Yên đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, nguyên nhân chính là do Trung Quốc tạm dừng thông quan tại một số cửa khẩu, điểm xuất hàng… Còn tại nội địa, các nhà hàng vừa qua cũng phải tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn, cho biết chu kỳ sinh trưởng, phát triển của nhuyễn thể chỉ kéo dài từ 15 - 16 tháng, sau thời gian trên sẽ chết dần. Hiện có rất nhiều hộ nuôi đã quá thời gian, khi kiểm tra lồng có 1/3 số con đã chết, gây tổn thất lớn kinh tế cho gia đình.
“Với số lượng nhuyễn thể đang còn tồn kể trên, nếu chết hàng loạt còn gây ra ô nhiễm môi trường, khiến ngư dân “mất cả chì lẫn chài” khi vừa không bán được hàng, lại còn mất thêm chi phí dọn vệ sinh môi trường khu vực này”, ông Ninh nói.
Trước tình hình cấp bách trên, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc họp bàn với các sở, ban, ngành để có biện pháp giải cứu hàng nghìn tấn hải sản đang nằm dưới biển. Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương, cho biết nhiều tháng qua, để tự cứu mình, các hộ nuôi, doanh nghiệp đã chuyển sang bán online và tìm nguồn ra trong nước tại các chợ truyền thống, nhưng sức mua khá nhỏ lẻ.
“Để tiêu thụ được thì bà con ngư dân vẫn phải duy trì chất lượng sản phẩm. Nếu lúc này sản phẩm mà cũng không tốt nữa thì có tìm cách giải cứu hay tìm được thị trường mới, thì vẫn tiếp tục gặp khó khăn”, bà Hiền nhận định.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh này đang phối hợp với Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc… chung tay giải cứu hải sản, giúp bà con để đưa hàu, ngao hai cùi vào các bếp ăn tập thể của các đơn vị.
Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kết nối để đưa các mặt hàng này vào hệ thống siêu thị Vinmart, Big C trên địa bàn. “Về lâu dài, các doanh nghiệp cũng nên chủ động tìm kiếm các thị trường mới, tận dụng tốt thời cơ các hiệp định thương mại (đặc biệt là Hiệp định EVFTA) để đẩy mạnh tiêu thụ”, ông Hậu nói.

Lã Nghĩa Hiếu Thanh Niên