Cua đá “bạc triệu” ở đảo Cù Lao Chàm
Từ ngày đi vào khai thác theo quy chuẩn, dù sản lượng khai thác cua đá giảm rõ rệt nhưng giá lại tăng lên đáng kể. Ngày trước giá bán từ 200.000-300.000 đồng/kg, bây giờ đã lên đến 1 triệu đồng/kg.
Bạc triệu chưa chắc mua được… cua đá!
Đó là thực tế đã và đang diễn ra ở đảo Cù Lao Chàm gần 4 năm qua. Câu chuyện bắt đầu từ việc thực hiện đề án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá” do Hội Nông dân xã Tân Hiệp phối hợp với UBND TP Hội An triển khai.
Cua đá không bị khai thác một cách ồ ạt, kéo dài từ ngày này qua tháng nọ và bày bán phục vụ du lịch xuyên suốt 4 mùa, đó là hai trong số những kết quả thu được từ đề án do TS Chu Mạnh Trinh (cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) gánh vác vai trò chủ nhiệm.
14 năm gắn bó với đảo Cù Lao Chàm, trong đó 10 năm TS Trinh đổ mồ hôi sôi nước mắt nghiên cứu về loài cua đá tím có tên khoa học Gecarcoidea lalandii. Hơn ai hết, ông biết rõ cộng đồng cư dân xã đảo cần làm gì để bảo tồn loài vật "đệ nhất" về giá trị kinh tế và hàm lượng dinh dưỡng này trước nguy cơ bị khai thác tận diệt. "Giai đoạn 2010-2013, địa phương tiếp nhận sự hỗ trợ từ nguồn Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phục vụ cho việc triển khai đề án. Từ đó, một loạt quy định bắt buộc đã được đưa ra như: điều chỉnh thời gian khai thác, chỉ bắt cua đá trưởng thành, chiều ngang mai cua không được nhỏ hơn 7 cm… Tất nhiên, việc này không phải để ngăn chặn tình trạng tuyệt chủng bởi ở một số đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ… vẫn có cua đá tím, song chúng tôi nhận thấy đây là một trong số những loài đem lại lợi ích kinh tế cao cho bà con ở đảo nên ra sức bảo tồn" - TS Trinh chia sẻ.
Cua đá chỉ được phép khai thác từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7. Khoảng thời gian còn lại là chu kỳ cua đá sinh sản và tuyệt đối bị cấm săn bắt, mua bán. Vậy nên, du khách hay thậm chí người dân trên đảo, nếu có nhiều tiền đến mấy thì cũng không mua được cua đá để ăn vào thời điểm chúng bị nghiêm cấm khai thác. "Qua nhiều năm theo dõi, thời điểm đầu tháng 4, cua đá sẽ xuống giàn, tức là chúng thường kiếm ăn dưới chân núi. Con cua có chiều ngang lớn nhất đến bây giờ chúng tôi ghi lại được là 11 cm, trong khi một số người dân ở đảo cho rằng họ đã từng bắt được cua đá có mai ngang dài 14 cm" - TS Trinh nói.
Khi tham quan khu chợ hải sản Tân Hiệp, chúng tôi có cơ hội tận mục sở thị loài cua đá "bạc triệu" ở đảo Cù Lao Chàm. Điều lạ là mỗi con cua đá sẽ được dán trên lưng nhãn mác trước khi bán cho du khách. Hỏi ra mới hay đó là một trong những yêu cầu bắt buộc được thực hiện từ ngày Tổ Khai thác và Bảo vệ cua đá ra đời. Từ năm 2013, cua đá chính thức được dán nhãn sinh thái. Những con cua đủ tiêu chuẩn theo quy định thì mới cho phép bán ra thị trường, còn không sẽ được trả về núi. Vừa qua, chính quyền địa phương lập thêm một đề án. Theo đó, các thành viên trong tổ khai thác sẽ không được phép săn bắt cua đá ở Hòn Dài đến thời điểm tháng 9-2019 nhằm tạo điều kiện sinh sôi, phát triển cho cua đá.
Từ ngày đi vào khai thác theo quy chuẩn, dù sản lượng khai thác cua đá giảm rõ rệt nhưng giá lại tăng lên đáng kể. Ngày trước giá bán từ 200.000-300.000 đồng/kg, bây giờ đã lên đến 1 triệu đồng/kg. Vào mùa, khai thác được tầm 1.000-1.200 con/tháng.