TIN THỦY SẢN

Cuộc sống các loài sinh vật tại vùng nhiễm xạ Fukushima

Lợn rừng Sus Scrofa ở Fukushima Công Nhất

Đã gần 9 năm kể từ thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi diễn ra và một nghiên cứu đã cho thấy, sự vắng mặt của con người đang tạo điều kiện cho sinh vật hoang dã phát triển tại đây, bất kể tình trạng nhiễm xạ.

5 năm vắng bóng con người, vùng sơ tán Fukusima đã trở thành ngôi nhà của quần thể đa dạng các loài động vật có vú kích thước vừa và lớn. Quan phân tích trên 267,000 tấm ảnh chụp động vật hoang dã, các nhà nghiên cứu đã nhận diện được 20 loài đang sinh sống trong “vùng cấm địa”, bao gồm lợn rừng (Sus Scrofa), thỏ rừng Nhật Bản (Lepus brachyurus), khỉ Macaca (Macaca fuscata), chim trĩ (Phasianus Vers màu), cáo đỏ (Vulpes Vulpes) và lửng chó (Nyctereutes procyonoides), một loài động vật thuộc họ cáo.

Theo nhà sinh vật học hoang dã James Beasley (ĐH Georgia), kết quả nghiên cứu chính là bằng chứng đầu tiên cho thấy nhiều loài động vật hoang dã đang sinh sôi phát triển trong Vùng Sơ tán Fukushima, bất chấp các tàn dư phóng xạ. Điều này cho thấy sự vắng mặt của loài người là một trong những nguyên nhân giúp các loài động vật phát triển về số lượng.

Nghiên cứu tập trung vào ba khu vực xung quanh lò phản ứng hạt nhân Fukushima: một vùng nhiễm phóng xạ ở mức cao nhất và không có người, một vùng có độ phóng xạ trung bình và ít người lui tới; và một vùng phóng xạ không đáng kể và con người có thể tiếp cận.

Sử dụng 120 camera đặt xung quanh các địa điểm này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện tại những nơi con người đã hoàn toàn sơ tán, dường như các quần thể chim tại đây không chịu ảnh hưởng đáng kể nào từ phóng xạ.


Dữ liệu nghiên cứu, theo các tác giả, đã trở thành minh chứng độc đáo cho thấy sự hiện diện của loài người gây ảnh hưởng tới quần thể động vật còn nhiều hơn cả phơi nhiễm phóng xạ.

Vùng nhiễm xạ Chernobyl, Ukraina cũng cho thấy điều tương tự và bây giờ đang là ngôi nhà của gấu nâu, bò rừng, sói, linh miêu, ngựa hoang Mông Cổ và hơn 200 loài chim khác nhau. Các loài động vật khác cũng đang dần quay lại Fukushima, đặc biệt là những vùng giới hạn với con người.

Một ví dụ là loài lợn rừng, với kích thước quần thể trong vùng biệt lập Fukushima lớn hơn bốn lần so với những vùng bị con người kiểm soát. Tương tự là các loài gấu mèo (raccoon) và khỉ macaca, với lý giải rằng sự vắng mặt của của con người tại các vùng nông thôn và đất hoang dã đã trả lại nguồn tài nguyên sống cho các sinh vật này.

Bên cạnh đó, tình trạng phóng xạ và đặc điểm địa lý của khu vực dường như không ảnh hưởng tới sự phân bố và số lượng các loài động vật tại đây. “"Địa hình ở đây đa dạng từ môi trường sống miền núi đến ven biển và tạo điều kiện phát triển cho nhiều loại loài khác nhau.”, Beasley cho biết. Các nhà nghiên cứu cũng đã kết hợp các thuộc tính cảnh quan và môi trường sống, chẳng hạn như độ cao địa hình so với mực nước biển, vào phân tích và cho thấy ba yếu tố chính ảnh hưởng tới các kích thước quần thể các loài động vật bao gồm: hoạt động của con người, độ cao địa hình và tập tính cư trú.

Ngoại lệ duy nhất chỉ có loài sơn dương, một loài động vật bản địa tại Nhật. Thông thường, loài vật này không hề thích ở gần con người. Tuy nhiên, qua quan sát trên camera, loài động vật này liên tục xuất hiện tại các vùng con người định cư. Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này là do các vùng không có con người sinh sống nay đã có rất nhiều cá thể lợn rừng cư trú, và sự cạnh tranh tự nhiên đã đẩy loài sơn dương tới những vùng xa hơn.

Dù chưa xét đến tình trạng sức khỏe của từng loài xem có bị ảnh hưởng bởi phóng xạ hay không, nhưng nghiên cứu vẫn cho thấy ít nhất hiện tại thì phóng xạ vẫn chưa ảnh hưởng gì đến kích thước quần thể loài trong dài hạn.

Công Nhất Khoa học & Phát triển