TIN THỦY SẢN

Đã có người nhìn thấy cá chúa ở Thanh Hóa?

Vũ Đảm

Suối cá Thần thật ra có tên gọi  suối Ngọc, nằm bên chân núi Trường Sinh thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh  Thanh Hóa nhưng từ khi rộ lên thông tin về cá thần sống trong suối thì người ta giọi luôn suối Ngọc là suối cá Thần.

Suối không sâu, không rộng, dài  hơn 100m nhưng đàn cá chỉ tập trung bơi lội trong phạm vi 20m từ cửa hang trở ra và độ sâu của suối vào mùa nước cạn chừng 30cm đến 60cm. Mặc dù diện tích con suối không lớn nhưng  lại có hàng nghìn con cá ngày ngày bơi lội quấn quýt bên nhau; những con cá nhỏ nhất cỡ ba ngón tay người lớn chụm lại, những con lớn có thể nặng đến 5-7kg. Dù bơi lội san sát bên nhau nhưng những con cá ở đây không hề có cảnh tranh giành, đánh nhau. Chúng hiền hòa với nhau và hiền hòa với cả với du khách tham quan; nhiều người cho tay xuống suối vờn cá nhưng chúng vẫn mặc nhiên bơi lội chứ không có vẻ gì sợ hãi, chạy trốn.

Những con cá Thần có hình thù giống như cá trắm, độ sắc của vảy xem ra có vẻ nhạt hơn cá nhà nhưng tất cả những con cá ở đây đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn chứ không lờ đò như cá cảnh. Người dân ở đây cho biết đã bao đời nay, hàng nghìn con cá Thần đều di chuyển theo một quy luật, sáng sớm thì từ trong hang núi bơi ra, chiều tối thì tất cả đều bơi vào trong hang để ngủ. Có nhiều người dân vì tò mò nên đêm tối mang đèn ra soi xem có con cá nào ngủ bên ngoài suối nhưng không hề có một con nào! Ngay cả trong mùa mưa lũ, khi một số con cá bị nước lũ cuốn đi thì chúng cũng sẽ tìm cách quay về với suối cá Thần.

Điều này có thể nói cá Thần ở đây sống theo nguyên tắc bầy đàn rất cao. Chưa có một nhà khoa học nào nghiên cứu về hang trong núi, nơi hàng nghìn con cá Thần ngủ đêm nhưng người dân bản địa bảo hang khá rộng và sâu, nó chạy sâu vào mãi bên trong, còn nước lúc nào cũng tuôn chảy từ trong hang ra chưa bao giờ ngừng nghỉ. Cũng không hiểu do nước suối luôn luôn được thay đổi hay do cơ thể cá Thần có điều gì đặc biệt mà nước suối không hề có mùi tanh! Người ta cho rằng có lẽ do cơ thể của cá Thần không tanh, hôi chứ không trong một đoạn suối nhỏ có đến hàng ngàn con cá thì nước suối phải thanh nồng.

Một câu hỏi mà mỗi du khách đến đây đều muốn được giải đáp là những con cá Thần này sinh ra từ đâu? Và câu trả lời cũng chỉ mang tính phỏng đoán là chúng được sinh ra từ cả Chúa - tức cá mẹ, sống ở trong hang. Tương truyền rằng cá Chúa chỉ vi hành ra khỏi hang 5 năm có một lần nên rất ít người được nhìn thấy cá Chúa, ai may mắn cũng chỉ nhìn thấy cá Chúa một lần trong đời mà thôi. Một số người quả quyết rằng đã nhìn thấy cá Chúa rất to, nặng cỡ 30-40kg.

Ngay bên cạnh suối cá Thần có đền thờ Chàng Rắn, vị thần canh giữ núi Lương, đầu nguồn của suối Ngọc và bảo vệ dân làng, tương truyền rằng  những con cá Thần dưới suối kia chính là đội quân của thần Rắn. Ngôi đền thần Rắn thiêng ngay sát bên suối cá càng tôn thêm vẻ linh thiêng cho những con cá Thần. Người ta đồn rằng nếu ai bắt cá ăn thịt, hoặc chòng nghẹo cá, dễ bị trừng phạt chết người hay bị tai nạn. Chưa ai kiểm chứng được điều này nhưng dẫu sao nhờ có suối cá Thần mà nơi đây đã biến thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút được hàng vạn du khách đến tham quan mỗi năm.

Vũ Đảm An Ninh Thủ Đô