Đã xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt
Thời gian qua, cá bớp nuôi tại vịnh Cam Ranh chết liên tục, gây thiệt hại lớn đối với người nuôi. Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân của tình trạng này.
Thiệt hại nặng
Mới đây, trở lại vùng nuôi cá bớp ở phường Cam Phúc Nam (TP. Cam Ranh), chúng tôi vẫn tiếp tục ghi nhận tình trạng cá bớp chết, kéo dài từ cuối tháng 7 đến nay. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh (tổ dân phố Phúc Ninh, Cam Phúc Nam) cho biết: “Gia đình tôi có 100 ô, lồng nuôi tổng cộng 10.000 con cá bớp nhiều kích cỡ. Đến nay, lượng cá bớp gia đình tôi bị thiệt hại lên đến 2.000 con, loại cá chờ xuất bán, kích cỡ 5 - 7 kg/con. Với tình trạng này, chỉ tính riêng tiền đầu tư, gia đình tôi thiệt hại 1 tỷ đồng; chưa kể, với giá bán 100.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình tôi còn thất thu 800 triệu đồng tiền bán cá”.
Gia đình ông Hiển (ở Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) cho biết: “Nhà tôi nuôi cá bớp trên vịnh Cam Ranh đã mấy năm nay, chưa bao giờ thiệt hại nặng như vậy. Mới đây, cá bớp loại 4 - 6kg chết trắng lồng với hơn 300 con, khối lượng hơn 1,5 tấn, số cá khoảng 2kg/con cũng chết hơn 100 con, cá có kích cỡ nhỏ hơn thì rất nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Cam Phúc Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có 329 bè với 3.395 ô lồng nuôi trồng thủy sản, trong đó có 1.795 lồng tôm hùm, 700 lồng tôm đá xanh và 900 ô lồng cá bớp. Tính từ ngày 19-7 đến nay, cá bớp giống, cá bớp thương phẩm chết rải rác ở một số hộ nuôi, ước thiệt hại khoảng 16 tấn cá. “Số cá bớp chết đã được địa phương xử lý kịp thời, không để ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Hội Nông dân phối hợp với UBND phường tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thả cá mật độ thưa, thường xuyên tổng dọn vệ sinh lưới, ô lồng nuôi và thức ăn cho cá để hạn chế ô nhiễm”, bà Thủy nói.
Nguyên nhân do đâu?
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cam Ranh cho biết, mỗi ngày có hàng chục tấn mồi tươi được thả cho cá, tôm ăn, lượng túi ni lông đựng thức ăn cho tôm, cá không được người dân thu gom mang vào bờ mà ném hết xuống biển. Bên cạnh đó, lượng thức ăn thừa chìm ở dưới đáy lồng cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước, các lồng nuôi thiếu ôxy do túi ni lông bám ngoài lồng. “Các địa phương cần tuyên truyền cho người nuôi trồng thủy sản thường xuyên vệ sinh lồng nuôi. Trước mắt, khi có hiện tượng cá chết thì phải báo cáo cơ quan chức năng có hướng khắc phục, tránh giấu giếm hoặc tự ý xả cá chết ra biển”, ông Hoàng nói.
Theo bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cuối tháng 7, chi cục đã nhận được thông báo của địa phương về tình hình cá nuôi lồng chết ở khu vực Cam Phúc Nam. Chi cục đã tiến hành kiểm tra thực địa, thu mẫu cá nuôi để phân tích, xác định nguyên nhân. Qua kiểm tra, tại vùng nuôi Cam Phúc Nam có khoảng 600 lồng nuôi cá bớp, với khoảng 50 hộ nuôi, số lượng giống khoảng 2.000 - 7.000 con/hộ. Cá giống được người nuôi mua từ nhiều địa phương trong tỉnh, không thực hiện kiểm dịch cá giống trước khi thả nuôi; hoàn toàn sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá. “Căn cứ kết quả xét nghiệm, nguyên nhân cá chết là do nhóm vi khuẩn Streptococcus SP gây ra (bệnh bỏng đỏ), thường xuất hiện trên các loài cá như: cá mú, cá bớp, với dấu hiệu xuất huyết, lở loét, mù mắt. Khi cá yếu, nhóm vi khuẩn Streptococcus SP xâm nhập và gây bệnh, kết hợp với các yếu tố môi trường vùng nuôi thay đổi bất thường khiến cá chết từ rải rác đến hàng loạt. Ngoài ra, việc vệ sinh lồng bè không thường xuyên, mật độ thả nuôi dày đã gây nên hiện tượng thiếu ôxy trong lồng nuôi, dẫn đến stress cho đàn cá nuôi, giảm sức đề kháng, đàn cá dễ bị nhiễm khuẩn, gây hiện tượng cá chết hàng loạt. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho cá chết tại khu vực Hòn Lăng, Hòn Thị (Ninh Hòa)thời gian qua”, bà Thúy nói.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người nuôi cần giảm mật độ cá/lồng; theo dõi sức khỏe đàn cá thường xuyên, khi có hiện tượng bất thường cần báo ngay cho cán bộ Trạm Chăn nuôi - Thú y địa phương để được hướng dẫn kịp thời; lặn hoặc kéo lồng lên kiểm tra tổng thể đàn cá nuôi, vệ sinh lưới lồng thường xuyên. Người nuôi cần tách những con yếu, bị bệnh ra khỏi đàn để điều trị riêng nhằm ngăn chặn việc lây lan; khi cá chết cần thu gom xác cá đưa vào bờ, không vứt cá ra biển. Về thức ăn, cần lựa chọn cá mồi đảm bảo chất lượng, nên sử dụng một phần thức ăn công nghiệp cho việc nuôi cá nhằm hạn chế hiện tượng bệnh. Về cá giống, cần thả giống đã qua kiểm dịch. Người nuôi tuyệt đối không dùng kháng sinh để phòng bệnh cho cá nhằm tránh hiện tượng lờn thuốc. Đối với đàn cá bớp còn lại, cần di chuyển lồng đến vị trí khác, bổ sung thêm các loại thức ăn, vitamin C, men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn cho cá…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Mật độ nuôi trồng thủy sản tại phường Cam Phúc Nam quá dày, chắc chắn gây ô nhiễm. Thành phố liên tục khuyến cáo không được phát triển thêm lồng, bè nhưng ý thức người dân chưa cao. Hiện nay, UBND tỉnh đang điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Quy hoạch trước đây tất cả các lồng, bè sẽ di dời về vùng biển Cam Bình. Tuy nhiên, lần này thành phố sẽ kiến nghị quy hoạch về vùng biển gần bờ để tạo điều kiện cho người dân. Khi di dời đến vùng quy hoạch sẽ đảm bảo về mật độ, tránh gây ô nhiễm môi trường.