Đặc sản An Giang: Nanh heo - loài cá tất bật xuôi ngược
Cách đây gần 150 năm – chính xác là năm 1865, nhà ngư học người Hà Lan Pieter Bleeker đã phát hiện ra cá heo nước ngọt, còn được gọi là cá nanh heo, do chúng có râu – trông như cái nanh, ở lưu vực sông Mekong. Bởi đấy cái tên cá tiếng Anh thường có cả tên ông – Botia Modesta Bleeker.
Đời sống của cá nanh heo là những cuộc di cư liên tục. Cuộc di cư ngược dòng của cá nanh heo từ vùng thâm nhập mặn ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long đến dưới chân thác Khone, Lào vào giữa tháng 11 và tháng 3 hàng năm. Chúng buộc phải đi là do mực nước xuống thấp. Cuộc di cư xảy ra vào mùa trăng.
Từ tháng 5 đến tháng 7, cá nanh heo di cư ngược lại, xuôi dòng từ thác Khone trên sông Mekong, thuộc tỉnh Champasak bên Lào, gần biên giới Campuchia, xuống vùng lụt Nam Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long. Thác Khone là thác hoang dã nhất châu Á, cao 21m. Chính nó là thác nước làm cho không thể đi theo sông này ngược lên Trung Quốc bằng tàu thuyền. Phía trên thác Khone, cá nanh heo đi ngược dòng từ tháng 2 đến tháng 5 ra các nhánh sông rạch của dòng Mekong – thường là đi vào nhánh sông Nam Ing. Chúng quay lại sông Mekong vào tháng 7 đến tháng 11. Những cuộc di cư của cá nanh heo được báo cáo trong nghiên cứu của vợ chồng cố tiến sĩ Philip McRowan, người Mỹ gốc Lào. Trong khi đi khảo sát thực tế, họ bị một nhóm người Mông giết không rõ lý do tại Lào.
Người Thái bám lấy con cá này từ năm 1999. Người Việt 2010. Là loài cá thịt ngon nhưng “dễ thương” theo tiêu chuẩn “nhỏ xíu anh thương” của nhạc sĩ Trần Tiến, nên dù được nuôi nhiều, giá cá cũng không hề rẻ đi chút nào. Cá chưa thành niên ở các vùng khác nhau của sông Mekong đều dài khoảng 2cm. Cá cho thịt dài đến 5cm. Cá từ lồng bè nuôi ở An Giang về đến nhà hàng Sài Gòn giá sỉ đã 280.000 đồng/kg. Thị trường rất phân biệt đối xử với giới tính của cá nanh heo. Thị trường cũng ga lăng giống y loài người – trọng nữ khinh nam (vậy mà các bà còn chưa để yên). Cá cái mắc gấp ba lần cá đực, vì to con nhưng ngắn thân hơn, thịt béo và ngon hơn. Hai giống cá khác nhau ở chỗ con đực có sọc đen trên mình, còn con cái toàn thân xanh nhạt. Đuôi vi cá nanh heo có màu đỏ hồng dễ nhận biết.
Cá nanh heo có thể làm đủ món: nấu chua, nướng muối ớt, kho lạt ăn với rau ghém. Món sau ngon hơn hết, lại hạp với thời mà các nhà dinh dưỡng khuyên ăn nhiều chất xơ – mặc dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy tốt hơn cho sức khoẻ chỗ nào. Nước cá kho lạt béo dịu dàng và thơm dàng dịu, vì trước khi nấu chúng vẫn “chưa từ trần”. Khi lùa miếng nước cá cùng rau vào miệng là cảm nhận cái vị béo và thơm của cá; thịt cá béo hơn và ngọt, không có vẩy, có thể nhai cả xương mềm của chúng. Nhờ những lồng bè ở An Giang, người ta không phải thương nhớ cá theo mùa, vì cá có quanh năm.
Có địa phương còn gọi chúng là cá he. Nhưng cá he thứ thiệt lớn hơn cá nanh heo hơi bị dữ, dài gấp ba lần là ít.
Sài Gòn ít có món cá nanh heo trong thực đơn nhà hàng. Lần đầu tiên tôi biết đến là món cá nanh heo kho lạt ăn với rau ghém tại nhà hàng Nam Bộ, 19 Nguyễn Thị Diệu, quận 3. Trước đó qua điện thoại, nghe ông chủ giới thiệu: hôm nay có cá heo. Tôi hỏi: cá heo nước mặn? Ông đáp: không, cá heo nước ngọt. Chưa nhìn thấy cá, ngỡ đâu ông ta cả gan bán cá nược – loài cá heo nước ngọt vào sách đỏ trên sông Mekong. Nhưng nhầm to. Hoá ra cá heo có tên thông dụng hơn là cá nanh heo. Mới đầu người dân vớt cá con về nuôi lồng. Đến năm 2010, đại học Cần Thơ ép đẻ thành công. Cá trở thành đặc sản để đến là nhớ An Giang, ngoài nhiều thứ để nhớ khác, trong đó chắc chắn có cả người, của xứ này.