TIN THỦY SẢN

Đặc sản cá leo cây

Cá thòi lòi sau khi làm khô ẢNH: GIA BÁCH Gia Bách

Cá thòi lòi (còn có tên là cá leo cây) sinh sống khá nhiều ở vùng bãi bồi mũi Cà Mau.

Trước kia, cá thòi lòi ít người ăn, có lẽ do thân hình nó hơi “dị hợm”: mắt lồi, mang phồng to; thân hình nhiều chỗ có màu sắc vàng, xanh óng ánh; chỗ lại màu xám, đen, sần sùi...

Cá thòi lòi có thể chạy trên mặt nước với tốc độ rất cao, kiểu chạy trông khá giống ca nô. Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất của loài cá này là chúng chạy nhảy trên cạn rất lanh lẹ và đặc biệt là có thể leo cây.

Theo giải thích của các nhà khoa học, cá thòi lòi có cấu tạo cơ thể khá đặc biệt: vừa thở bằng mang như các loài cá khác, vừa có thể thở bằng phổi khi lên cạn và đôi vây trước có hệ cơ phát triển đóng vai trò như một đôi tay.

Cá thòi lòi thường chọn nơi “hiểm” như các lùm cây, kẹt rễ rồi dùng miệng để đào hang trú ẩn. Hang của chúng có thể sâu đến 2 m, với nhiều ngóc ngách. Thường mỗi con đào tới vài cái hang để dễ dàng đánh lừa kẻ thù khi bị tấn công.Theo ông Lê Văn Ngon (ngụ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), có nhiều cách bắt cá thòi lòi. Cách hiệu quả nhất là đặt xà di. Xà di được bện tròn bằng lá dừa nước, to bằng cổ chân, một đầu bẻ cóp lại làm hom để cá chui vào không thoát ra được. Con nước ròng, người ta mang xà di đặt vào các miệng hang, khi cá ra khỏi hang chui tọt vào xà di, chỉ việc mang cá về nhà.

Ông Nguyễn Văn Quang (cũng ngụ xã Đất Mũi) nói rằng thịt cá thòi lòi mềm và thơm ngon; có thể nướng muối ớt, kho tiêu, nấu canh chua... nhưng món thông dụng nhất hiện nay là làm khô. Khô cá thòi lòi vị ngọt, thịt dai, mềm, lại ít xương nên được nhiều người ưa thích. Có thể trộn khô với xoài bằm, còn cách đơn giản nhất là nướng suông chấm nước mắm me.

Khô thòi lòi dễ làm. Đầu tiên đánh vảy, bỏ ruột và lọc hết xương sống của cá; sau đó rửa sạch ướp gia vị như muối, đường, bột ngọt rồi đem phơi nắng. Nắng tốt thì phơi khoảng 3 ngày là có món khô ngon để nhâm nhi với khách.

Gia Bách Báo Thanh Niên, 28/01/2017