Đảm bảo an toàn, chất lượng cho ngành hàng tôm xuất khẩu ở ĐBSCL
ÐBSCL đang vào vụ mùa nuôi tôm nước lợ năm 2021, với diện tích nuôi, sản lượng thu hoạch ước tính tăng so với năm 2020. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát khiến việc xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp ở ÐBSCL gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ thu hẹp nên rất cần giải pháp hỗ trợ tháo gỡ của ngành chức năng.
Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 738.000ha, tổng sản lượng thu hoạch vượt kế hoạch đề ra, đạt trên 900.000 tấn, trong đó tôm sú trên 267.000 tấn, tôm thẻ chân trắng trên 512.000 tấn. Trong đó, vùng ÐBSCL, diện tích nuôi tôm nước lợ tập trung tại các tỉnh ven biển với trên 680.000ha, chiếm 92% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước. Năm 2021, cả nước có kế hoạch sản xuất tôm nước lợ trên 740.000ha, tập trung chủ yếu ở vùng ÐBSCL… Tuy nhiên, qua những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện trở lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất ngành hàng thủy sản và xuất khẩu của các nhà máy chế biến.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta, cho biết: do ảnh hưởng dịch COVID-19, hầu hết các chi phí chăn nuôi, thức ăn, thuốc thú y thủy sản đều tăng và kể cả giá tôm nguyên liệu cũng tăng. Nhưng giá bán tôm thành phẩm xuất khẩu không tăng, do các nước nhập khẩu, người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm với tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoành hành. Ðiển hình như tại các nước Thái Lan, Ấn Ðộ, Campuchia… sau khi mở cửa kinh tế không bao lâu thì dịch bệnh lại bùng phát, khiến người tiêu dùng bất an, nguồn tiêu thụ, nhập khẩu thủy sản, tôm hạn chế lại.
Còn theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood), so với cùng kỳ năm ngoái ngành hàng sản xuất thủy sản xuất khẩu có nhiều thuận lợi, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay gặp nhiều khó khăn. Nhất là nguyên liệu tôm không đủ, tăng giá (do mới vào đầu vụ), trong khi đó giá tôm xuất khẩu không cao hơn năm ngoái. Các nhà máy có kế hoạch dự trữ nguyên liệu trong vụ chính phải tốn nhiều chi phí về kho lạnh và lãi suất ngân hàng. Ðến nay, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã tác động mạnh vào giá vật tư đầu vào, cộng với cước tàu vận chuyển xuất khẩu tăng, các loại bao bì nhựa, carton, dầu công nghiệp (dầu đậu nành), lương nhân công đều tăng càng làm cho giá thành sản xuất ngành tôm tăng thêm.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng cho biết cước phí vận chuyển tôm xuất khẩu bằng tàu biển đến thị trường châu Âu tăng lên đã gây khó khăn, ảnh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí có một số doanh nghiệp phải chịu lỗ. Thực tế trong quý I-2021 có một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm chịu lỗ do phải thực hiện đơn hàng đã ký từ trước...
Những tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến tôm xuất khẩu, nhưng vùng nuôi tôm ở ÐBSCL đang vào vụ nuôi mới có dấu hiệu lạc quan. Bởi, hiện nay thời tiết ở ÐBSCL chuyển mùa, mưa sớm, vùng nuôi tôm gặp thuận lợi và phát triển tốt. Nhiều mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ mới rất hiệu quả. Các doanh nghiệp đầu tư trang trại nuôi tôm và nhiều hộ nuôi tôm dự báo năm nay vụ tôm sẽ tốt hơn, do quy trình nuôi tốt và ổn định.
Theo dự báo năm 2021, nước ta đã và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ xuất khẩu. Ðồng thời, chu kỳ tiêu thụ mặt hàng tôm, thông thường thị trường tốt dần về cuối năm. Ðầu quý III-2021, các nước Bắc bán cầu vào mùa hè, người dân các nước này thực hiện nhiều chuyến du lịch, vui chơi, giải trí nên sức tiêu thụ tăng; các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhanh như hiện nay cũng giảm diện tích nuôi tôm nên khả năng cạnh tranh về sản lượng xuất khẩu sẽ giảm… Ðó là điều kiện cho ngành tôm xuất khẩu tốt thời gian tới. Tuy nhiên, giá tôm không thể tăng mạnh trong thời gian tới, do giá hiện đã ở mức cao. Dự báo khi vào vụ cao điểm thu hoạch tôm từ tháng 6 đến tháng 9 khả năng giá tôm giảm và đến hết vụ sẽ tăng trở lại.
Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp Hội tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng), nhận định: Vụ nuôi tôm năm 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh ven biển thuộc ÐBSCL đạt hiệu quả cao, khống chế tôm nuôi thiệt hại dưới 10%, tỷ lệ diện tích nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh tăng. Qua đó, để vụ nuôi tôm năm 2021 và những năm tiếp theo đạt thắng lợi lớn, ngành chuyên môn cần xây dựng biểu đồ thời gian theo dõi diễn biến dịch bệnh trên tôm bằng cách tổ chức các cuộc họp hằng tháng, hằng quý lồng ghép các biểu đồ để xem diễn biến dịch bệnh và có biện pháp phòng trị. Ðể làm được vấn đề này cần sự chung tay của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong tổ chức, liên kết sản xuất, giám sát dịch bệnh trong quá trình nuôi. Cùng với đó khoa học công nghệ là một trong những yếu tố thành công của nuôi tôm, do đó cần sự hỗ trợ của ngành chức năng, tổ chức tín dụng để người nuôi thay đổi công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nuôi trồng, sản xuất… Ðặc biệt, ngành điện cũng cần phát huy vai trò quan trọng trong việc góp phần nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao như tiếp tục bố trí điện phù hợp cho từng vùng nuôi tôm, đáp ứng nhu cầu phát triển diện tích nuôi tôm của các địa phương...
Ðể đạt mục tiêu 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các đơn vị liên quan từ bộ, ngành Trung ương đến các địa phương có vùng nuôi thủy sản cần chú trọng các giải pháp trọng tâm đối với quản lý chất lượng và sản xuất giống tôm nước lợ. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giống phải tuân thủ các tiêu chí về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất giống đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất, sạch bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị nêu trên cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra con giống đầu vào cũng như rà soát việc cấp giấy chứng nhận vùng nuôi, cơ sở nuôi theo đúng quy định. Trong đó phải thực hiện một cách kiên quyết, xử lý nghiêm những sai phạm để ngành nuôi trồng thủy sản tôm nước lợ có nguồn giống tốt, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng thị trường xuất khẩu…