TIN THỦY SẢN

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản

Cần tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng cá, tàu cá, cơ sở sản xuất nước đá và cơ sở nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Ái Trinh Ái Trinh

Từ ngày 19/5-16/6/2023, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) đã tổ chức thanh tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Quá trình thanh tra Đoàn đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng cá, tàu cá, cơ sở sản xuất nước đá và cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế mà đoàn thanh tra EU đã nêu, tránh ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu, ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung một số giải pháp khắc phục đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại cảng cá, tàu cá, cơ sở sản xuất nước đá

Ban Quản lý cảng cá xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Nội quy về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng cá; xây dựng hoặc bổ sung quy trình bốc dỡ sản phẩm thủy sản tại cảng cá tránh gây nhiễm chéo và mất an toàn vệ sinh thực phẩm; có biện pháp ngăn chặn động vật gây hại hiệu quả; tổ chức tuyên truyền tập huấn để công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng được thực hiện đúng quy định. 

Các cơ sở sản xuất nước đá tại cảng: phải tuân thủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cảng cá và theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia: QCVN 02-08:2009/BNNPTNT; phải đảm bảo có các khu vệ sinh công nhân, vệ sinh khuôn đá riêng biệt; khu sản xuất đá phải tách biệt với kho và khu phụ trợ khác; có biện pháp ngăn chặn động vật gây hại xung quanh khu vực sản xuất.

Chi cục Thủy sản  tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ tàu/thuyền trưởng tàu cá thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu; nơi phân loại, bên trong các khoang, hầm chứa thủy sản phải có lớp bọc bằng Inox hoặc nhựa đảm bảo không để thủy sản tiếp xúc trực tiếp với sàn gỗ, lớp sơn không đảm bảo an toàn thực phẩm, không làm lây nhiễm chéo thủy sản với nhau; rác thải trên tàu phải được phân loại, chứa đựng và tập kết đưa về cảng; trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động trên tàu; bố trí vòi rửa tay phù hợp cho lao động trên tàu trước khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm thủy sản.

Rà soát, kiểm tra đánh giá định kỳ duy trì điều kiện an toàn thực phẩm đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên và các cảng cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPNT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT). Hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở đối với cơ sở cần khắc phục các sai lỗi; tổ chức kiểm tra đánh giá kịp thời các sai lỗi tránh tình trạng sai lỗi trong đợt kiểm tra trước chưa khắc phục vẫn tồn tại trong đợt kiểm tra sau.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở nuôi trồng thủy sản 

Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người nuôi trồng thuỷ sản tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm dùng trong NTTS tại Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm về sử dụng và kinh doanh hóa chất, kháng sinh cấm dùng trong NTTS. 

Phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các huyện/thành phố/thị xã liên quan tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với tàu cá có chiều dài dưới 15 m, cơ sở nuôi trồng thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tỷ lệ tối thiểu là 5% để đánh giá tính khả thi trong việc thực hiện cam kết. 

Ái Trinh